Tin tức - Sự kiện

Du lịch Hà Giang khởi sắc

Cập nhật: 27/02/2014 10:45:48
Số lần đọc: 2853
Hơn 520.000 lượt du khách đến với Hà Giang trong năm 2013, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 327 tỷ đồng (năm 2012) là những con số ấn tượng cho thấy du lịch Hà Giang đang ngày càng khởi sắc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển hiện nay, du lịch Hà Giang đang cần một cuộc “phẫu thuật” để trở nên chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của du khách và mang tính bền vững hơn.

Điểm nhấn Hà Giang

Hà Giang với những danh thắng mới nghe tên đã đủ sức hấp dẫn, gọi mời như: Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ; Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc thiêng liêng; Khu di tích Nhà Vương một thời vàng son; Phố cổ Đồng Văn với kiến trúc nghệ thuật độc đáo; Cổng trời, Núi đôi Quản Bạ nên thơ; “Đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng; Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ngút ngàn tầm mắt; Bãi đá cổ Nấm Dẩn bí ẩn; thác Tiên, đèo Gió, những vườn chè cổ thụ mờ ảo trong màn sương, sức hút lạ kỳ của mùa hoa Tam giác mạch, không gian văn hóa đa sắc mầu của chợ phiên, Di tích Lịch sử cách mạng Căng Bắc Mê, Tiểu khu Trọng Con... Bên cạnh đó là những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của vùng đất đa dân tộc gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng: Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cấp sắc của người Dao; Tết của người La Chí, Chợ tình Khau Vai, cày trên nương đá; Lễ hội chọi trâu, đấu ngựa, chọi dê... thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, hay một lần được thưởng thức món cháo “độc dược” ấu tẩu nhớ mãi không quên.

Phát huy lợi thế du lịch, phấn đấu đưa ngành “công nghiệp không khói” này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ta đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa gắn với du lịch, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của Hà Giang. Những bước đi đúng hướng của ngành du lịch đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Bạn trẻ Nguyễn Văn Thắng, đến từ Hà Nội, chia sẻ với chúng tôi trong chuyến du Xuân Giáp Ngọ vừa qua: “Hà Giang xuất hiện nhiều hơn trên các bản tin thời tiết du lịch của VTV, những hình ảnh về Hà Giang cũng được quảng bá nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều bạn trẻ rất háo hức khám phá. Quả thật, đá chồng lên đá, mầm sống mọc lên từ đá, kỳ vĩ và bền bỉ. Tôi khâm phục những con người nơi đây, hàng ngày vẫn cần mẫn, vượt qua khó khăn, để gìn giữ vẹn nguyên mảnh đất phên dậu của Tổ quốc. Hà Giang, điểm đến hấp dẫn và chúng tôi sẽ quay trở lại...”.

Những việc cần làm ngay

Tiềm năng du lịch đã được chính những du khách đến với Hà Giang khẳng định, tuy nhiên, khái niệm về làm du lịch, phát triển du lịch một cách bền vững hình như vẫn chỉ là chuyện của ngành chuyên môn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương còn chưa chặt chẽ, người dân thờ ơ, đứng ngoài cuộc trong khi chính cuộc sống của họ là chủ thể trong sản phẩm du lịch cộng đồng mà chúng ta đang hướng đến. Bởi thế mới có những câu chuyện bi hài vào những mùa du lịch cao điểm như mùa hoa Tam giác mạch, Chợ tình Khau Vai, mùa lúa ruộng bậc thang chín vàng... Khách du lịch ngủ vật vã tại Phố cổ Đồng Văn vì các cơ sở lưu trú đã kín chỗ, nhà hàng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu thực khách; giá vé nhà xe tuyến Hà Nội – Hà Giang tăng, dịch vụ cho thuê xe máy tự phát không được kiểm soát, những điểm dừng chân vọng cảnh thưa thớt, sản phẩm du lịch đơn điệu... Để khắc phục tình trạng này, đưa ngành du lịch Hà Giang tiến xa hơn trên con đường phát triển cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương. Tăng cường xúc tiến quản má hình ảnh và mời gọi đầu tư; đề ra chính sách kích cầu phù hợp để khuyến khích sự phát triển du lịch. Bên cạnh đó, khi Cao nguyên đá Đồng Văn đang đứng trước thời điểm tái đánh giá của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, thì ngoài việc đẩy mạnh hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cần bắt tay ngay vào những công việc cụ thể: Hoàn thành trùng tu khu Phố cổ Đồng Văn, quy hoạch các điểm du lịch; chỉ đạo các cơ sở khai thác khoáng sản, thủy điện trên Cao nguyên đá trồng cây, tái tạo môi trường cảnh quan ở những khu vực đang khai thác; tiếp tục mời các nhà khoa học nghiên cứu, phát hiện thêm những di chỉ khảo cổ học đang tiềm ẩn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; bảo tồn phát triển văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành du lịch, mở các lớp tập huấn nấu ăn, lễ tân, học tiếng nước ngoài để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Chị Hoàng Thị Thương, cán bộ Công ty du lịch Tầm Nhìn Mở chia sẻ rằng: Chị vừa tham dự cuộc thi hướng dẫn viên du lịch quốc tế, muốn thu hút được khách du lịch nước ngoài, mình cần phải biết họ cần gì, hy vọng gì khi đến với Hà Giang; đáp ứng được nhu cầu của du khách dựa trên thế mạnh của địa phương mình, nghĩa là chúng ta đã làm du lịch thành công.

Du lịch, một ngành kinh tế đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều địa phương trong cả nước. Hà Giang muốn bắt kịp được với xu thế ấy dựa trên tiềm năng sẵn có của mình thì cần lắm cái “bắt tay” của nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và người dân./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT