Về Đất Tổ thưởng thức món ngon
Chè
Nếu du khách thích đến Sapa để trải nghiệm không khí lạnh lẽo mập mờ sương khói, cái cheo leo của những con đường men theo sườn núi hay những mảnh ruộng bậc thang nối tiếp trùng điệp nhiều màu sắc của mùa lúa chín thì chắc chắn đến với Phú Thọ, người ta sẽ bị mê mẩn và lôi cuốn bởi những đồi chè xanh mướt, non tơ. Những hàng chè cứ quẩn quanh, ôm ấp, bao trùm lên những ngọn đồi đất đỏ, uốn lượn rất tự nhiên nhưng đó thực sự là một kiến tạo của con người.
Không chỉ chè sấy khô mới được ưa chuộng mà thứ chè xanh tươi mát cũng được sử dụng như một thứ nước uống thường ngày. Mùa hè hay mùa đông, được nhấp một ngụm chè xanh trong thì chẳng ai có thể chê được.
Sản phẩm chè - đặc sản Phú Thọ - khá đa dạng, ngoài chè đen, chè xanh là chủ đạo bước đầu đã có sản phẩm chè ô long, chè lipton, chè ướp hương… được xuất khẩu ra thế giới. Đến đây, với nhiều loại chè phong phú như vậy, bạn có thể tha hồ thưởng thức loại nào mình thích.
Quả cọ
Người ta chỉ biết đến cây cọ mà ít biết rằng, trái cọ cũng là một thứ quà ngon và là đặc sản của mảnh đất này. Khi những cơn gió đầu mùa se lạnh bắt đầu dập dìu bên những sườn đồi cũng là lúc quả cọ chín già, đen bóng, sai lúc lỉu từng chùm, đung đưa đón mùa về. Khi ấy, người dân thường đi hái quả, thứ quả mang vị bùi, chát được lắng đọng qua mưa và nắng gió trung du.
Quả cọ được hái về rửa sạch bụi đất rồi đem làm ỏm. Khi ỏm cọ phải chú ý thời gian cho phù hợp với độ sôi của nước, nếu không khéo cọ sẽ bị tóp lại, cứng chát không ăn được. Thế nên ỏm được một mẻ cọ ngon là phải khéo léo, kì công.
Quả cọ khi đã ỏm có màu nâu sậm, lúc ỏm xong dầu cọ nổi như váng mỡ bám quanh nồi, bóp vào mà quả thấy mềm, cho màu vàng ươm là ngon nhất. Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy bùi, ngọt béo ngậy, thơm đặc, dẻo dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý.
Cọ ỏm chấm với nước mắm là ngon nhất thế nhưng tùy thuộc khẩu vị từng người có thể thay bằng bột canh hay tương ớt, muối lạc, muối vừng…
Ngoài cọ ỏm, người ta còn làm dưa cọ muối, xôi cọ. Thậm chí là cơm nắm với lá cọ… Dù là món ăn gì đi nữa thì cây cọ vẫn luôn mang cái hồn và thần thái của người người vùng đất trung du này.
Thịt chua
Cũng là một loại thịt thính giống như nem chua Thanh Hóa, nem nắm Nam Định, nem Phùng, nhưng thịt chua Phú Thọ có sự khác biệt về hương vị. Đây là món ăn gốc của người Mường trên mảnh đất Thanh Sơn nhiều đồi núi. Nhưng bởi sự thơm ngon đặc biệt được ưa thích nên thịt chua đã lan truyền sang nhiều vùng khác trong tỉnh, khiến món ăn ngày càng trở nên nổi tiếng và trở thành một thứ đặc sản quà tặng đặc sắc nơi đây.
Thịt chua - đặc sản Phú Thọ - có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại là cả một nghệ thuật, và nó thể hiện qua sự chọn lọc kỹ càng để có các nguyên liệu tốt nhất cũng như quy trình thực hiện chính xác, nghiêm ngặt. Bởi thế, dù nhiều nơi cũng có món thịt chua nhưng chỉ ở Thanh Sơn – Phú Thọ người ta mới tìm được thứ hương vị mà mình thích nhất.
Bí quyết tạo nên thành công cho món thịt chua chính là ở khâu rang thính. Thính rang phải đảm bảo yêu cầu chín kỹ, dậy thơm, vàng và không được để cháy. Sau khi được trộn đều với thính, thịt được cho vào ống bương, ống tre để chứa đựng (tuy nhiên, hiện nay để tiện cho thương mại hóa sản phẩm người sản xuất thường dùng lọ nhựa). Lót lá ổi xuống dưới dụng cụ chứa đựng thành một hai lớp, lèn thật chặt thịt vào trong và phủ vài lớp lá ổi lên lớp thịt trên bề mặt dụng cụ chứa đựng, nén chặt bằng một vài nẹp tre gài chéo.
Thịt chua ăn ngon nhất khi thưởng thức cùng với lá ổi, lá sung, đinh lăng, lá mơ tam thể, lộc vừng, nhội, rau thơm… Chỉ cần cho một miếng thịt chua thơm phức vào những chiếc lá này cuộn lại, chấm với tương ớt cay cay rồi thả vào miệng nhai chậm rãi. Đơn giản bấy nhiêu thôi mà thực khách có thể thưởng thức được bao nhiêu hương vị chua, ngọt của thịt, thơm của gia vị, và cả sức sáng tạo tài tình trong ẩm thực của con người. Nếu một lần đến mảnh đất Trung du mưa nắng thuận hòa này nhất định bạn phải nếm thử món thịt chua, và có lẽ sự hấp dẫn của thứ thịt là này chính là sợi dây níu bao lữ khách, đi rồi vẫn muốn trở lại đầy luyến tiếc.
Bánh Tai
Chẳng rõ từ bao giờ món bánh tai nổi tiếng lại xuất hiện ở thị xã Phú Thọ, món bánh làm nức lòng bao khách phương xa thưởng thức. Nghe nói, bánh tai trước kia được gọi là bánh trai vì bánh được nặn theo hình con trai, sau đó được gọi tắt là bánh tai. Bánh được làm vẫn những nguyên liệu đó nhưng dài hơn và nặng hơn.
Để làm được chiếc bánh tai ngon thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo, đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh tai. Xong rồi đến kỹ thuật làm bánh, nhân bánh. Qua những bàn tay nhào nặn tài tình, những bí quyết gia truyền riêng, những chiếc bánh tai nóng hổi đã ra lò thơm mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất.
nơi đây, bánh tai là thứ quà sáng rất đặc biệt bởi nó dễ ăn, lại lành tính. Khi ăn, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được hương vị trong từng miếng bánh. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất đâu đây mãi chẳng rời.
Bưởi Đoan Hùng
Đến với mảnh đất Phú Thọ linh thiêng của tổ tiên, lữ khách còn được thưởng thức đặc sản trái cây của nơi này. Đó là bưởi Đoan Hùng. Đã từ lâu giống bưởi này không chỉ nổi tiếng tại quê hương mà còn nức tiếng khắp Nam Bắc xa gần.
Đến đây, ai cũng muốn tìm mua cho mình vài trái bưởi để thưởng thức và đem làm quà biếu. So với các loại bưởi nối tiếng khác trong cả nước như bưởi Da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Diễn thì bưởi Đoan Hùng có chút khác biệt. Bưởi có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị thơm, ngon, ngọt, mát.
Giống bưởi ở đây còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường. Ngoài kỹ thuật trồng ra, có lẽ, bưởi Đoan Hùng còn ngon và nổi tiếng nhờ thiên nhiên ưu đãi, nằm trên khu vực ngã ba sông của con sông Lô và sông Chảy, quanh năm phù sa bồi đắp. Cùng những chất đất đặc biệt ở các khu vườn này. Chính vì thế, dù ai đó có cố gắng xin giống bưởi này về trồng thì hương vị cũng vẫn thua xa vài bậc.
Chỉ một lần nếm miếng bưởi với tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất khiến ta tưởng chừng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan, da thịt.
Ở Đoan Hùng, bưởi của xã Chí Đám và Bằng Luân là ngon nhất. Chỉ một lần nếm miếng bưởi với tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất khiến ta tưởng chừng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan, da thịt.
Rau sắn
Nhiều thực khách chỉ quen thưởng thức củ sắn trắng thơm, bở, bùi mà ít ai biết rằng rau sắn cũng là một đặc sản. Và chính ở mảnh đất trung du này đã biến thứ rau dân dã ấy thành những món ăn tuy không sang trọng nhưng ngon và ấn tượng. Để chế biến thành các món khác nhau, trước tiên rau sắn được hái về đem muối chua giống như bạn làm dưa cải vậy nhưng công đoạn có sự khác biệt.
Rau sắn muối ngon thì phải biết chọn nguyên liệu. Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi, hái về ngâm qua nước cho bớt nhựa rồi được vò nát. Người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn.
Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà. Cách này cũng giúp cho rau sắn nhanh chua hơn và để lâu ngày không bị hỏng, bị váng. Bởi vậy khi thêm muối cũng phải lựa sao cho rau không quá mặn mà khó nấu, cũng không quá nhạt để nổi váng, rau dễ bị hỏng. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình, để 4 đến 5 ngày ủ chua.
Rau sắn muối có màu vàng đều, dậy mùi thơm hấp dẫn và tưởng chừng như dù có thưởng thức bất cứ món ngon nào cũng không thể quên hương vị món dưa sắn.
Từ thứ dưa rau sắn này, người ta có thể xào, nấu canh cá, làm nộm (gỏi), kho cá… Mỗi món ăn mang một hương vị thân thương của gia đình, của tình yêu quê hương của những người con xa quê khi nhớ về. Bao thực khách đến đây, dù sang trọng hay bình thường cũng đều bị thứ hương dưa sắn quyến rũ. Những bát canh cứ đầy lại vơi, những món xào chỉ hết trong nháy mắt… thật thích thú biết bao.
Rêu đá Thanh Sơn
Thanh Sơn là mảnh đất rộng và có lẽ là nhiều đồi núi nhất của Phú Thọ. Nó cũng là nơi sản sinh nhiều món ăn ngon, độc đáo. Bên cạnh món thịt chua đặc sắc, còn có món rêu đá mà không phải ai cũng biết đến. Nói đến rêu đá - đặc sản Phú Thọ, nhiều người sẽ nghĩ rêu làm sao mà ăn được, nhưng thực tế, đến với một số xã như Đồng Sơn, Thu Cúc, Thượng Cửu... của huyện này, quý lắm mới được người nơi đây mời, đãi món này. Nó được coi như là một thứ rau sạch của những người vùng cao.
Khi rêu được lấy về, làm sạch sẽ được đem tẩm ướp gia vị. Đó là tỏi thái mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều, dùng lá đu đủ (hoặc lá rong) gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Lớp lá đu đủ bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm. Đợi đến khi những lá đu đủ bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra để thưởng thức. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng biệt và khó quên.
Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối vì đó là lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình./.