Xây dựng làng gốm Chu Đậu thành điểm đến du lịch
Phó Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: Gốm Chu đậu được Hapro thành lập từ năm 2001. Sau 13 năm Gốm Chu Đậu đã cơ bản khôi phục, phục hưng các mẫu cổ được trục vớt ở vùng biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Đến nay có hơn 1000 mẫu. Chu Đậu là dòng gốm thủ công cao cấp của Việt Nam. Có khác biệt với các dòng gốm khác: vẽ thủ công trên sản phẩm 100%, men cổ ngày xưa, đó là dùng men tro trấu (hanh vàng), men rạn (đá, xoắn đồng tiền)… Sau đó, cho vào lò nung ở nhiệt độ cao tạo ra độ bóng trên sản phẩm.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Hapro Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: Cách đây 10 năm ít người biết đến gốm Chu Đậu. Là người của quê hương chúng tôi cảm thấy có lỗi. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò đặc biệt trong việc tuyên truyền dòng gốm Chu Đậu. Hiện nay, 30 - 40 nước trên thế giới biết đến gốm Chu Đậu. Hapro quyết tâm đưa dòng gốm Chu Đậu trở thành sản phẩm gốm có giá trị cao, góp phần quảng bá truyền thống văn hóa và lịch sử của Việt Nam ra thế giới. Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp du lịch Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến để phát triển dòng gốm cổ này cũng như việc liên kết phát triển Chu Đậu trở thành điểm đến trong chương trình du lịch. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng: để Chu Đậu hấp dẫn du khách, sản phẩm gốm Chu Đậu phải phong phú đa dạng, có nhiều mẫu mã, nhiều giá để đáp ứng nhu cầu khách mua. Đồng thời, cần liên kết giới thiệu gốm Chu Đậu tại nhiều điểm du lịch để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước. Các đại biểu đều đồng thuận, để du khách dễ dàng tiếp cận với gốm Chu Đậu, Hapro cần đầu tư mạnh vào nhà trưng bày gốm chuyên biệt, thuyết minh viên và tập gấp nêu bật những giá trị nổi trội của dòng gốm cổ Chu Đậu./.