Hành trang lữ khách

Tháng 3 về Tây Nguyên vui mùa lễ hội

Cập nhật: 25/03/2014 09:33:43
Số lần đọc: 1659
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Bah Nar, Jơ Rai, Xơ Đăng, M’Nông, Êđê... bắt đầu mùa Xuân là mùa của lễ hội sum vầy. Mùa lễ hội nở rộ và kéo dài hết tháng 3, đồng bào vui tụ ở làng, nhà rông văn hóa, làm lễ cúng thần, ăn uống, ca hát… và nhiều sinh hoạt văn hóa tâm linh mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào thiểu số Tây Nguyên…

Người Jơ Rai và Bah Nar ở Tây Nguyên năm nào vào mùa này cũng thường tổ chức lễ Lih (còn gọi là lễ tạ ơn, lễ cầu sức khỏe) rất công phu. Lih là lễ cúng có từ lâu đời của người dân tộc Jơ Rai. Lễ được tổ chức khá trang trọng để tạ ơn Yang, trời đất đã cho con người một mùa màng bội thu, hay tạ ơn công lao của cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng, hoặc những người có ân nghĩa với gia đình. Lễ Lih cũng được tổ chức để cầu sức khỏe, may mắn cho những người thân trong gia đình, buôn làng tránh khỏi bệnh tật, tai ương...

Đồng bào dự lễ Lih của người Jơ Rai ở Gia Lai ai cũng cảm giác mình như được khỏe thêm vì tin rằng Yàng sẽ giúp cho mình sức khỏe, bình an. Lễ vật một con gà khá to được bày ra để cúng Yàng, thần Lửa Pơtao; một con heo để cúng cho người được tạ ơn, được cầu sức khỏe, một con bò để mời họ hàng cùng đến ăn uống, sau đó chia thịt cho mỗi người đến dự lễ mang về. Khác với các lễ khác do cả làng cùng góp công của để làm thì lễ Lih chỉ làm theo từng hộ gia đình. Sau phần lễ kết thúc, mọi người cùng uống rượu, ăn mừng, trò chuyện vui vẻ. Có những chuyện tình lứa đôi cũng bắt đầu se duyên từ đây…

Người Bah Nah ở Kon Tum có số dân đông thứ 2 sau dân tộc Xơ Đăng, hàng năm hầu hết ở mỗi làng thường tổ chức lễ hội nước giọt. Họ dọn dẹp, sửa sang lại giọt nước và cúng thần nước giọt hết sức long trọng. Bởi theo quan niệm của người dân ở đây từ xa xưa, nước giọt có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, do vậy trước khi tổ chức lễ này, công việc không thể thiếu là sửa sang, dọn dẹp lại các giọt nước và sửa chữa lại nhà rông, ngôi nhà chung của làng. Già làng định ngày làm lễ nước giọt và thông báo cho dân làng để mọi nhà đóng góp vật chất làm lễ. Con vật hiến sinh không thể thiếu trong lễ nước giọt là trâu (hoặc bò, dê) và gà trống.

 

Những ngày chuẩn bị diễn ra lễ hội là những ngày dân làng sống trong không khí náo nức, chờ đợi. Khi ông mặt trời chuẩn bị khuất núi, con vật hiến tế được dẫn ra buộc vào cột nêu. Vòng chiêng soang đã sẵn sàng. Già làng đứng hướng về nhà rông khấn mời thần linh về chứng giám và dự lễ với dân làng. Dứt lời khấn của già làng, âm thanh cồng chiêng nổi lên rộn rã, vòng soang (múa) dịch chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ đúng 3 vòng. Nghi thức mời Yang (thần linh) về dự lễ đã xong. Hai ghè rượu cần được mang đến để dưới cột nêu. Già làng uống làm phép cang rượu đầu tiên, sau đó mọi người chuyền tay nhau uống cần rượu. Rượu cần, cơm ống, thịt nướng và những món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống được mang ra mời khách cùng dân làn ăn uống cộng cảm. Cả làng ngất ngây, tưng bừng trong men rượu và âm thanh cồng chiêng rộn rã. Khách đến làng trong dịp này cũng được tiếp đón như những người thân lâu ngày trở về làng.

Nghi lễ ăn cơm mới và cúng hồn lúa trữ kho của đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk cũng rất đặc sắc. Nghi lễ cúng thần lúa được tiến hành tại rẫy và tại nhà người dân trong buôn. Lễ vật cúng gồm 7 ché rượu cần, 7 con gà trong đó một con gà trống, 1 con heo (lợn), với mục đích cầu lúa đầy bồ, sức khỏe dồi dào ấm no hạnh phúc và cầu mong không bao giờ thiếu ăn, nghèo đói… Theo già làng, lễ cúng hồn lúa cũng là cầu cho mình có sức khỏe và có đủ lúa ăn cho cả năm, cảm ơn thần linh đã che chở cho dân làng, giúp cho cây lúa được mùa bội thu…

 

Lễ bỏ mả (pơ thi), của đồng bào Tây Nguyên cũng được tổ chức khá nhiều vào dịp này. Lễ vật được đặt dưới chân cây nêu như rượu cần, thịt heo…để cúng vong linh người dưới mộ và các thần linh, với mục đích cầu xin các vị thần phù hộ cho linh hồn những người quá cố. Sau khi khấn vái xong, người ta tin là linh hồn người chết dưới mộ đã hài lòng và chịu nhận lời cầu nguyện, mọi người bắt đầu ăn uống và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… Ngoài lễ đóng cửa kho, ăn cơm mới, cầu mưa, cầu sức khỏe, đâm trâu… pơ thi là lễ hội lớn của người Bah Nar và Jơ Rai. Các lễ hội là những không gian sống giữa đại ngàn Tây Nguyên có sức cuốn hút và lan tỏa mạnh mẽ, sản sinh ra các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian. Đó còn là môi trường bất tận góp phần nuôi dưỡng và giữ gìn những bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên.

 

Tháng 3 Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy, làm nương… Tháng 3 rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ, làng buôn vang tiếng chiêng múa hát…Tháng 3 người Tây Nguyên chan chứa tình, con tim xao xuyến, đôi môi hé cười…Tháng 3 mùa hạnh phúc Tây Nguyên… Lời của bài ca “Tháng Ba Tây Nguyên” ấy mãi vang xa…/.

Nguồn: daknong.gov.vn

Cùng chuyên mục