Tin tức - Sự kiện

Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam

Cập nhật: 07/04/2014 09:35:23
Số lần đọc: 1660
(TITC) - Sáng ngày 05/4/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình tọa đàm về “Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam”. 

Chương trình thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch ở địa phương, cơ sở đào tạo du lịch... Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường đã đến dự và chủ trì buổi tọa đàm.

Các đại biểu tham dự đã nghe ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), giới thiệu về vai trò của thương hiệu du lịch, các định hướng và hành động trong xây dựng phát triển thương hiệu, và công tác truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam.

 

Theo đó, thương hiệu du lịch có vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu quốc gia, lập kế hoạch phát triển du lịch, quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển và bán sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch và quản lý rủi ro.

 

Để đẩy mạnh công tác truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam, cùng với việc tăng cường đầu tư kinh phí, củng cố bộ máy các cơ quan xúc tiến du lịch, cần đẩy mạnh liên kết trong các hoạt động truyền thông thương hiệu, tăng cường quan hệ đối tác công tư. Đồng thời, cần phát động phong trào toàn xã hội tham gia vào hoạt động xây dựng và truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam.

 

Ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) cho biết, trong thời gian qua, Dự án EU đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ công tác marketing của Tổng cục Du lịch trong nghiên cứu thị trường, nghiên cứu marketing du lịch, xây dựng marketing điểm đến, xây dựng hướng dẫn và các công cụ marketing, báo cáo đánh giá; trong đó có định vị và xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam.

 

Trên cơ sở tiêu đề và biểu tượng Vietnam - Timeless charm (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận), 4 dòng sản phẩm chính của Du lịch Việt Nam đã được xác định gồm có: sản phẩm du lịch Biển đảo - Duyên hải, sản phẩm du lịch Văn hóa, sản phẩm du lịch Thiên nhiên - Sinh thái và sản phẩm du lịch Thành phố. Đây là định hướng quan trọng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch các vùng miền, địa phương phù hợp, nhất quán với thương hiệu du lịch quốc gia. Ông Trí cho rằng, Tổng cục Du lịch cần đóng vai trò điều phối chung trong phát triển và truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia để bảo đảm định hướng xuyên suốt cho các địa phương trong cả nước.

 

Buổi tọa đàm đã có sự tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi của các đại biểu tham dự. Theo ông Nguyễn Minh Quyền (Công ty Bến Thành Tourist), ngành Du lịch nên tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác với các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá thương hiệu Du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thu hút ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp trong xúc tiến thương hiệu và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

 

Bà Mary McKeon, Trưởng nhóm tư vấn của Dự án EU cho rằng cần xây dựng bộ hướng dẫn về truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam và tổ chức các hội thảo hướng dẫn cho các địa phương, đặc biệt là các Trung tâm Thông tin & Xúc tiến du lịch, qua đó đảm bảo sự nhất quán trong truyền thông thương hiệu. Internet là công cụ rất hữu hiệu, tài liệu hướng dẫn nên được đăng tải trên các website của Tổng cục Du lịch để những đối tượng quan tâm có thể tải về sử dụng.

 

Ông Phạm Trương Hoàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng nhất trí quan điểm cần hướng dẫn truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn quốc. Trong điều kiện kinh phí xúc tiến du lịch còn hạn hẹp như hiện nay, ngành Du lịch cần tính toán, lựa chọn để thu được hiệu quả tốt nhất. Các vùng, địa phương, doanh nghiệp cần cân nhắc xây dựng thương hiệu du lịch của mình vừa đảm bảo sự đa dạng đặc sắc, vừa bảo đảm thúc đẩy thương hiệu du lịch quốc gia.

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao định hướng xây dựng 4 dòng sản phẩm như đã nêu ở trên. Mỗi vùng, địa phương cần nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm phù hợp với tiềm năng thế mạnh của mình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách. Trong thời gian tới, ngành Du lịch cần quyết liệt triển khai các chương trình đẩy mạnh xúc tiến thương hiệu du lịch Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất hành động của các bên liên quan tham gia vào quá trình này.

 

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao sự quan tâm và các ý kiến chia sẻ tâm huyết của các đại biểu tham dự chương trình tọa đàm. Với trách nhiệm của mình, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để nghiên cứu lựa chọn vận dụng vào quá trình triển khai xúc tiến, truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh rằng công tác truyền thông thương hiệu cần bảo đảm sự thống nhất của các bên tham gia để thúc đẩy hình ảnh quốc gia một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, bên cạnh công tác truyền thông thương hiệu, chất lượng sản phẩm là yếu tố mang ý nghĩa quyết định đến thành công của ngành Du lịch Việt Nam./.

Tin, ảnh: Truyền Phương

 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT