Tin tức - Sự kiện

Khai thác giá trị du lịch từ yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc

Cập nhật: 03/10/2008 08:10:18
Số lần đọc: 1773
Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Do đó, để phát triển du lịch, chúng ta cần phải khai thác tốt hơn nữa yếu tố truyền thống văn hóa của dân tộc.

Theo Giáo sư Hoàng Chương: “ Văn hóa là hồn của du lịch. Du lịch chỉ là một cái xác, nếu không có hồn không tồn tại được”.


Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch đã được đề cập nhiều và gần đây là trong cuộc hội thảo với chủ đề: “Phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa Việt cổ”. Các đại biểu đều cho rằng, chú trọng yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc là cần thiết, vừa bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị.


Có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều di tích văn hóa, lịch sử của Việt Nam thu hút sự quan tâm của du khách đặc biệt là khách quốc tế. Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam với 3 loại hình lớn là nghệ thuật ngôn từ: văn học dân gian; nghệ thuật biểu diễn: âm nhạc; múa, sân khấu và nghệ thuật tạo hình. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn có giá trị du lịch lớn nhất bởi đó là tài nguyên du lịch động, du khách có thể được tham gia trực tiếp để thẩm nhận chúng một cách chân thực và chuẩn xác nhất.


Xét một ví dụ điển hình về văn hóa truyền thống của Việt Nam được khách du lịch nước ngoài biết tới nhiều chính là những làn điệu dân ca ở khu vực Trung du đồng bằng Bắc Bộ.


Dân ca là những làn điệu do chính người dân sáng tác, mỗi làn điệu dân ca chính là tiếng nói của người dân, là sự phản ánh qua lăng kính chủ quan của nhân dân về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Ở đó, người xem thấy được cuộc sống, thấy được tâm hồn của con người mỗi địa phương và cũng là nét đặc trưng để phân biệt văn hóa vùng, miền.


Bà Bùi Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, dân ca chính là một sản phẩm du lịch đặc sắc, mang tính biểu trưng, một phương tiện quảng bá cho hình ảnh Việt Nam, một tiềm năng quan trọng để phát triển loại hình du lịch văn hóa và để lưu giữ tồn tại một nét riêng biệt của văn hóa Việt.


Du khách biết tới vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ và ấn tượng bởi những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm như: Hát Ví, Cò lả, hát Xẩm, hát Ca trù, hát Xoan, hát Gẹo... và đặc biệt là hát Quan họ. Người ta nói rằng, vùng đất này sở hữu một kho tàng dân ca phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức, sâu lắng ở nội dung, dễ đi vào lòng người.


Ngày nay khi du lịch phát triển, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người đi du lịch ngày một cao thì nghệ thuật biểu diễn truyền thống – cái tạo nên bản sắc văn hóa Việt đang góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách. Mặc dù, việc khai thác lợi thế ấy hiện nay đã được các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành chú trọng hơn tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế. Bà Bùi Thanh Thủy cho rằng, trước hết cần tái hiện lại các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sưu tầm, tư liệu hóa các thể loại diễn xướng dân gian trong các lễ hội truyền thống, trong sinh hoạt văn hóa dân gian.


Trước đây, dân ca ở mỗi vùng miền đều mang tính truyền miệng vì vậy cơ quan quản lý cần mở các lớp đào tạo có quy mô, gồm những nhạc sỹ và nghệ sỹ dân gian để truyền thụ những làn điệu dân ca cho thế hệ sau. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của quá trình bảo lưu những làn điệu dân ca truyền thống nói riêng và các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói chung trong tương lai.


Bà Bùi Thanh Thủy cũng đưa ra một số giải pháp như: kết hợp giao thoa giữa tính truyền thống và hiện đại để làm mới cho các làn điệu, tạo ra sự hấp dẫn và dễ gần với du khách; xây dựng những tác phẩm tiêu biểu, độc đáo, nâng cao chất lượng biểu diễn; tạo môi trường sân khấu biểu diễn hợp lý; đưa việc thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống vào chương trình du lịch của công ty lữ hành và xây dựng điểm biểu diễn tại các điểm du lịch hoặc các nhà hát biểu diễn ở các thành phố, các địa phương.


Trong một lần trao đổi với Giáo sư Hoàng Chương, khi hỏi ông về mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch ông đã nhấn mạnh: “Để phát triển du lịch chúng ta phải biết khai thác, phát huy những cái gì là đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Nhà cao, cửa rộng, biển đẹp... những thứ đó ở phương Tây họ có nhiều rồi. Nếu chúng ta quên lãng đầu tư cho văn hóa thì du lịch phát triển không bền vững. Chúng ta làm du lịch phải có một định hướng rõ ràng, phải bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc vì đó chính là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.


Đây cũng là nội dung mà những người làm du lịch cần phải quan tâm sâu sắc hơn nữa để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT