Khánh thành Bia di tích Chiến thắng Mai Khê tại Hà Nội
Địch đóng tại vị trí này nhằm uy hiếp nhân dân và càn quét, lùng sục các đơn vị chủ lực cũng như du kích của ta ở Yên Lãng; kiểm soát đường giao thông giữa huyện Yên Lạc và huyện Yên Lãng; ngăn chặn ta mở rộng khu du kích; bảo vệ đường giao thông bằng đường thủy của chúng trên sông Hồng. Đầu năm 1953, Bộ Tổng tham mưu đã lệnh cho Tiểu đoàn 185, Trung đoàn cận vệ 246 vào hoạt động vùng địch hậu ở tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) và Hà Nội để bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền cách mạng và lập kế hoạch chiến đấu tiêu diệt đồn Mai Khê, giải phóng hai huyện Yên Lạc và Yên Lãng, mở rộng vùng du kích liền kề nối thông với An toàn khu. Tiểu đoàn 185 gồm 4 đại đội: Đại đội 86 phụ trách hướng chủ công (điểm); Đại đội 42 phụ trách hướng thứ yếu (diện); Đại đội 40 chặn viện, ngăn địch từ Minh Tân lên; Đại đội 88 hỏa lực. Trận đánh bắt đầu từ 23 giờ 15 phút ngày 20/4/1953, diễn ra căng thẳng, quyết liệt suốt đêm. Quân địch ở cứ điểm Mai Khê chống trả quyết liệt, đồng thời từ các vị trí xung quanh, địch liên tục bắn pháo chi viện, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho bộ đội ta trong quá trình tiến công. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đến 4 giờ 30 phút ngày 21/4/953, ta đã tiêu diệt, bắt sống hoàn toàn quân địch và san phẳng đồn Mai Khê. Trong quá trình chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu, Tiểu đoàn 185 luôn nhận được sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ, phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền, du kích và nhân dân địa phương.
Cứ điểm Mai Khê bị tiêu diệt là một đòn đau, tổn thất lớn đối với địch, buộc chúng phải bỏ một số vị trí ngoại vi để tăng cường cho kế hoạch phòng thủ những vị trí đầu mối giao thông quan trọng; hoạt động của địch ở các vị trí giảm sút; tinh thần binh lính thêm hoang mang, dao động. Sau Chiến thắng Mai Khê, Tiểu đoàn 185, Trung đoàn 246 được Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính tỉnh Vĩnh Yên và Bộ tư lệnh Quân khu Việt Bắc tuyên dương công trạng.
Với ý nghĩa lịch sử đó, các cựu chiến binh Trung đoàn 246 đã bàn và thống nhất xây Bia di tích Chiến thắng Mai Khê. Lịch sử quê hương Mê Linh ghi tạc một chiến công; các thế hệ con cháu từ đây biết được truyền thống chống ngoại xâm anh dũng kiên cường của các thế hệ ông cha. Đây cũng là công trình khắc ghi danh tính các cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 185, Trung đoàn 246 và cán bộ, đảng viên, dân quân, du kích địa phương đã hy sinh anh dũng tại Mai Khê.
Bia di tích Chiến thắng Mai Khê trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng, nơi lưu danh muôn đời những liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.