Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa Nghệ An và TP.Hồ Chí Minh
Với mục đích tăng cường liên kết hợp tác cùng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương để xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của du khách, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch hai địa phương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả phối hợp của ngành du lịch Nghệ An và du lịch TP Hồ Chí Minh thời gian qua, trong đó, nổi bật nhất là hợp tác quốc tế, quảng bá du lịch, phối hợp đưa tin, giới thiệu các hình ảnh du lịch trên tạp chí, báo, đài truyền hình, trang Web của Nghệ An và TP Hồ Chí Minh... góp phần tích cực cho việc thu hút khách du lịch đến với Nghệ An, quê hương Bác Hồ và đến với TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, hợp tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất, tính đến nay TP Hồ Chí Minh đã có 4 dự án đầu tư về du lịch tại Nghệ An (2 khách sạn 4 sao và 2 công viên...). Về hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, nhờ đẩy mạnh công tác khảo sát, phối hợp cùng phát triển, trong những năm qua, Nghệ An là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch tại TP Hồ Chí Minh và khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh lựa chọn, lượng khách du lịch nội địa, quốc tế nối tour từ TP Hồ Chí Minh đến Nghệ An và ngược lại, chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng lượng khách (ước khoảng 20%).
Ngoài ra, hai tỉnh đã phối hợp khảo sát, xây dựng, phát triển, mở rộng khai thác các tuyến, tour du lịch nội vùng, liên vùng, liên khu vực trong nước và quốc tế... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong hợp tác phát triển như: sự liên kết chưa đi vào chiều sâu, các địa phương hầu hết phát triển theo các thế mạnh tiềm năng sẵn có, chưa tận dụng được các thế mạnh và nguồn lực tổng hợp liên vùng gắn với các vùng du lịch với các vùng và địa bàn trọng điểm kinh tế. Hoạt động quảng bá xúc tiến còn mang tính riêng biệt, chưa xây dựng được hình ảnh du lịch chung của các địa phương để giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết với các sự kiện du lịch, văn hóa, xã hội của các địa phương chưa được phát huy và tạo ra các chương trình, sản phẩm mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả liên kết phát triển du lịch giữa hai tỉnh, như: Hai tỉnh cần tăng cường công tác quảng bá những điểm đến mang tính đặc trưng của từng vùng, miền. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là một trong những điều kiện tiên quyết ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch đó là đội ngũ hướng dẫn viên, nhưng đội ngũ hướng dẫn viên của chúng ta còn yếu về kiến thức lịch sử, yếu trong xử lý tình huống ...
Dịp này, lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp phát triển du lịch trong thời gian tới, với mong muốn du lịch hai tỉnh sẽ trở thành ngành trọng điểm của mỗi địa phương, cùng nhau hỗ trợ để phát triển bền vững./.