Hợp tác phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tại hội nghị, ông Phạm Phước Như, Chủ tịch danh dự Hội Liên hiệp Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã đánh giá cao kết quả mà bốn tỉnh, thành phố cụm Tây Sông Hậu đã đạt được trong thời gian qua.
Các tỉnh, thành phố tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong chương trình liên kết hợp tác, đã liên kết được các trường để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Tuy nhiên việc xúc tiến quảng bá du lịch ở các địa phương vẫn còn chậm, vì vậy trong thời gian tới các tỉnh, thành phố nên tiếp tục xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt phải tập trung xây dựng tour du lịch đặc trưng “Một điểm đến bốn địa phương +” để tạo sức hút cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Cụm trưởng cụm Tây Sông Hậu, Nguyễn Chí Thiện cho biết thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã chủ động giới thiệu và trao đổi tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tổ chức khai thác tiềm năng du lịch của từng địa phương. Đưa vào khai thác và sử dụng tour du lịch mùa nước nổi Vàm Nao, huyện Phú Tân, Cà Mau, thành lập tổ hợp du lịch làng Chăm Châu Phong, xây dựng khu du lịch biển nhân tạo tại khu Nhà Mát, Bạc Liêu…
Các tỉnh, thành phố đang tích cực xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch mới của mỗi tỉnh để bổ sung vào sản phẩm du lịch đặc trưng “Một điểm đến bốn địa phương+”.
Tour du lịch đặc trưng “Một điểm đến bốn địa phương +” sẽ được kéo dài trong khoảng 6 ngày 5 đêm với giá trọn gói là 5,5 triệu đồng/khách và khách du lịch sẽ được tham quan một số điểm du lịch của năm tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu./.