Non nước Việt Nam

Lễ đón mẹ lúa của người Khơ Mú

Cập nhật: 24/06/2014 09:46:50
Số lần đọc: 1922
Đồng bào quan niệm, lúa cũng có hồn như con người, vì vậy phải cầu hồn lúa để các “ma” không quấy nhiễu, để hồn lúa khoẻ mạnh, cầu cúng ma nuơng ma nhà phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được tươi tốt, bội thu. Do đó, gia đình Khơ Mú nào cũng phải làm lễ đón mẹ lúa một cách chu đáo, tỉ mỉ.

Lễ tra hạt

Lễ tra hạt (lễ Pa Sư) là nghi lễ đầu tiên của một mùa gieo trồng được diễn ra vào tháng 4, tháng 5 âm lịch, đó là lúc người ta làm lễ cúng ma đất, ma nương để đưa hạt lúa xuống đất. Người Khơ Mú cũng như các dân tộc làm nương rẫy khác đều tổ chức lễ tra hạt, nhưng hình thức tổ chức của mỗi dân tộc một khác nhau. Trước khi làm lễ, gia chủ phải chuẩn bị xong đám nương mình định gieo trồng trong năm. Các gốc rạ của vụ mùa trước được dọn sạch, đem đốt tạo lớp mùn cho đất để chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Gậy chọc lỗ của người Khơ Mú vừa là công cụ lao động, vừa là một thứ nhạc cụ, khi chọc lỗ phát ra âm thanh vui tai nhằm động viên mọi người gắng sức lao động để quên đi những mệt nhọc. Chiếc gậy được làm đơn giản, chỉ là những thân cây tre, cây găng (từng lự). Gậy được sử dụng trong suốt mùa tra hạt, hết đám này cho đến đám kia, bao giờ lúa lên thì mới được bỏ. Đồng bào quan niệm khi tra lúa xong nếu đốt hoặc sử dụng gậy chọc lỗ vào những việc kiêng kị thì cây lúa sẽ bị chết, vụ mùa sẽ bị thất thu.

Việc chọc lỗ thường do nam giới đảm nhiệm còn tra hạt lại là phần việc của nữ giới. Trước hết là phải chọn ngày để làm lễ tra hạt, ngày tra hạt thường được căn cứ vào việc được hay mất mùa của gia đình đó, tức là nếu gia đình nào đi gặt lúa vào ngày mùng 5 thường hay được mùa thì từ đấy gia đình đó lấy ngày mùng 5 làm ngày tra hạt và ngày gặt.

Ngoài ra người Khơ Mú còn kiêng gặt lúa và tra hạt vào ngày làm nhà, ngày sinh, ngày, giờ mất của ông bà, bố mẹ. Lúa giống dùng để tra hạt phải được sàng sẩy sạch sẽ rồi phơi khô đảm bảo không mối mọt, không bị lép mới được đem ra gieo trồng. Việc gieo trồng ở đây mang tính cộng đồng cao, mọi người đi giúp nhau, đổi công cho nhau. Việc được hay mất mùa cũng tuỳ thuộc vào hướng gieo trồng của mỗi một dòng họ, đồng bào quan niệm mỗi dòng họ có một hướng gieo trồng khác nhau, không họ nào được phép đi theo hướng gieo trồng của dòng họ khác.

Cầu mong mùa màng bội thu

Người Khơ Mú trong suốt quá trình canh tác họ đều “cầu xin” sự phù hộ của trời đất, các ma sông, ma suối, ma nương rẫy, tổ tiên tương tự như mọi dân tộc sinh sống bằng trồng trọt nương rẫy, trong đó có một điểm đáng lưu ý là cầu mưa. Cách cầu mưa của người Khơ Mú là các hình thức ma thuật nhằm bắt chước, diễn lại hiện tượng mưa rơi bằng cách vẩy nước và diễn tả âm thanh của tiếng sấm bằng trò nhảy sạp “tẹ khiệp”... Hình thức cầu mưa này không nằm ngoài mục đích cầu mong mùa màng được tươi tốt, bội thu. Ngoài ra, đây còn là dịp để thắt chặt thêm, gắn bó với nhau hơn nữa giữa những mối quan hệ trong cộng đồng và cũng là dịp để những tinh hoa văn hoá được sinh sôi phát triển.

Lễ ăn cơm mới

Đến tháng 10 âm lịch, lúa nếp nương bắt đầu chín, đó là lúc Lễ ăn cơm mới. Thóc mới được những người con dâu trong nhà đem giã, sàng sẩy thật sạch, lấy tấm cám của gạo mới cho vào một cái mẹt rồi đặt dao cuốc xẻng vào trong với ý nghĩa cho các dụng cụ lao động có công giúp chủ nhà được ăn trước.

Ngày cúng lúa mới kiêng khách đến nhà và đồng bào cho rằng có người lạ, gia chủ làm ăn sẽ gặp rủi ro, ai muốn đến dự với gia đình phải đến từ hôm trước. Do đó, mấy ngày trước khi làm lễ, chủ nhà phải “đánh tiếng” để mọi người trong bản biết. Cơm đồ chín được múc ra cho vào hai chiếc bồ nhỏ (thung ro mà) để cúng vía người sống và cúng tổ tiên. Ngoài hai bồ cơm có một bát ớt, một quả trứng, không thắp hương mà chỉ thắp đèn dầu. Tất cả đặt dưới chân vách bên cạnh bếp cúng.

Người Khơ Mú quan niệm ban ngày chỉ là sự tồn tại của phần xác và linh hồn chỉ có thể đi lại khi màn đêm buông xuống, vì vậy lễ cúng được diễn ra khi mặt trời đã khuất bóng. Họ quan niệm phần xác và phần hồn có hình thức ăn khác nhau theo họ hồn ở trên đầu, vê cơm nếp để lên đầu có nghĩa là cho hồn ăn, đó là lúc phần hồn và phần xác nhập vào nhau.

Lễ tra lúa và lễ ăn cơm mới là hai lễ thức nằm trong hệ thống các nghi thức nông nghiệp của người Khơ Mú. Qua đó, chúng ta bắt gặp nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng sơ khai, như tín ngưỡng hồn lúa, cầu mưa, trồng cây tình cho lúa... Trong sự đa dạng của văn hoá vùng Đông Nam Á, lễ đón mẹ lúa của người Khơ Mú vẫn là một lễ thức nông nghiệp mang nét độc đáo riêng của tộc người.

Lễ đón mẹ lúa (Grơ mạ ngọ) của người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái là lễ cúng ma nương, ma nhà và đón “mẹ” lúa từ nương rẫy về nhà, chờ tới mùa tháng 6 (tức tháng 5 âm lịch) tra lúa mới. Lễ gồm có ba giai đoạn, ứng với ba thời điểm: Khi lúa chín ăn cơm mới; lúa chín rộ thu hoạch đưa về nhà và ngày vui cúng hồn lúa./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT