Thành cổ Arbil (Irag) trở thành Di sản thế giới
Tại phiên họp của Ủy Ban Di sản thế giới đang diễn ra ở thành phố Doha (Qatar), thành cổ Arbil của Irag đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trong số hơn 40 hồ sơ được gửi tới Unesco đề nghị công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới lần này, người dân Irag vô cùng vui mừng và hãnh diện khi thành cổ Arbil của họ đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Thành cổ Arbil nằm ở trung tâm thành phố Erbil của Irag, đây là một trong những khu vực có người định cư liên tục và lâu đời nhất trên thế giới. Các nhà sử học cho rằng con người đã xuất hiện và sinh sống ở đây từ khoảng 7.000 đến 10.000 năm trước.
Nằm trong vùng đồng bằng nhiều mưa, gần nơi hợp dòng của hai con sông và dưới chân dãy núi Zagro, địa thế này đã giúp cho Thành cổ Arbil trở thành nơi cư ngụ của một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời nhất thế giới. Những nhóm người sống bằng nghề săn bắn - hái lượm đã định cư tại đây vào năm 9300 trước Công nguyên. Sau đó là thời kỳ của người Hassuna nguyên thủy, khoảng năm 7000 trước Công nguyên.
Không giống như vùng khô hạn ở phía nam Irag, hàng thế kỷ qua mưa vẫn rơi xuống Thành cổ Arbil đều đặn và đây là một điều kiện lý tưởng để con người định cư hết tháng này qua năm khác. Vào năm 1400 trước Công nguyên, sau khi các nền văn hóa trước xuất hiện rồi tàn lụi, Thành cổ Arbil đã trở thành một trong những thành phố quan trọng nhất của đế chế Assyria. Nhiều thế kỷ sau đó, khu vực này đã xảy ra những cuộc chiến tranh liên tiếp khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều xáo trộn. Thành cổ cũng theo đó bị hư hại nhiều phần.
Hiện nay, dân số sống tại thành phố Erbil chỉ khoảng hơn 3.000 người. Trong số đó có 20% là hậu duệ của những cư dân từ thời kỳ đầu của thành cổ Arbil vẫn bám trụ lại mảnh đất này. Những người dân ở đây sống trong các căn nhà được xây bằng tường gách, gỗ và mái lợp bùn. Hầu hết người dân ở đây sống nghèo khổ, thu nhập thấp và không ổn định. Những xáo trộn trong nội bộ chính quyền ở Irag cùng với chiến tranh đã khiến cho thành phố này bị lãng quên, dân cư ở đây vẫn sống trong cảnh không điện nước cho đến tận bây giờ.
Với sự công nhận của Unesco đối với thành cổ Arbil, người dân nơi đây có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Bởi sau khi được công nhận, chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ quan tâm nhiều hơn đến khu vực này đồng thời cơ hội phát triển du lịch cũng sẽ góp phần làm cuộc sống của người dân bớt khó khăn./.
Nguồn: Cinet