Hoạt động của ngành

Du lịch cộng đồng: Hướng đi mới của du lịch Bình Dương

Cập nhật: 01/07/2014 10:34:30
Số lần đọc: 1352
Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là loại hình du lịch có mục tiêu chủ yếu thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành và quản lý các dự án du lịch nhỏ nhằm mang lại thu nhập thay thế và giảm nghèo cho cộng đồng. Bên cạnh đó còn góp phần lưu giữ, bảo vệ truyền thống và văn hóa địa phương cũng như các di sản thiên nhiên. Với điều kiện sẵn có, Bình Dương có ưu thế trong việc phát triển loại hình du lịch này…

Là loại hình du lịch còn rất mới mẻ tại Việt Nam, nhưng DLCĐ mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế, xã hội cho cộng đồng mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng. Các loại hình du lịch phù hợp để phát triển DLCĐ gồm: Du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch làng nghề; du lịch dân tộc hay bản địa và du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật và hàng thủ công mỹ nghệ tại địa phương cũng là một thành phần quan trọng trong việc phát triển DLCĐ. Trên địa cả nước hiện có nhiều tỉnh, thành đã áp dụng loại hình du lịch này tại địa phương và bước đầu đã đạt được những thành công cùng doanh thu ổn định như: Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Nam…

 

 

Riêng tại Bình Dương, với những thuận lợi sẵn có về điều kiện tự nhiên và con người, có tiềm năng lớn trong việc phát triển loại hình DLCĐ. Theo ông Đặng Văn Thạnh, Phó Hiệu trưởng trường Du lịch và Tiếp thị Quốc tế TP.HCM cho biết: Bình Dương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nhiều địa phương có điều kiện thích hợp để phát triển loại hình DLCĐ như: TX.Thuận An, TX.Tân Uyên; các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên… Trong đó, TX.Thuận An với địa danh vườn cây trái Lái Thiêu nổi tiếng cùng những cá nhân điển hình trong kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái vườn như: Nhà vườn Bảy Sửa, nhà vườn Út Trung, Nhà hàng DAN (xã An Sơn); nhà vườn Ba Tâm, nhà vườn Hồng Vân, nhà vườn ông Dội (phường Hưng Định)… sẽ là địa điểm lý tưởng cho việc triển khai thí điểm loại hình du lịch này.

 

Hiện tại, theo khảo sát, Bình Dương vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ để phát triển DLCĐ, cụ thể như: Mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, chưa tham gia vào quá trình tổ chức và ra quyết định, xây dựng các kế hoạch thực hiện trong DLCĐ. Việc tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch tại cộng đồng còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Chủng loại, kiểu dáng các sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng và chất lượng chưa cao để hấp dẫn khách du lịch. Trong khi đó các công ty du lịch lại chưa thực sự đánh giá, đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt được nhu cầu và mong muốn của khách du lịch…

 

 

Vì vậy, để phát triển DLCĐ một cách bền vững và hiệu quả, ngành du lịch tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ nhằm phát huy hết những tiềm năng sẵn có của địa phương, như: Lựa chọn, quy hoạch và phát triển một số làng nghề truyền thống thành các điểm DLCĐ có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, bảo đảm an toàn, an ninh nhằm thu hút khách du lịch; nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm, các làng nghề nằm trong tour, tuyến du lịch chính của tỉnh. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên và nhân viên phục vụ chuyên nghiệp tại các điểm đến tham quan, du lịch; khuyến khích các hộ dân bảo tồn và phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thủ công, mây tre đan… Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch sinh thái tại cộng đồng tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hóa phong phú của địa phương…/.

Nguồn: baobinhduong.vn

Cùng chuyên mục