Thắng cảnh tuyệt đẹp sông Năng - Hồ Ba Bể
Theo những điều tra, nghiên cứu khoa học thì Vườn quốc gia Ba Bể có tới 533 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài đặc trưng nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: vượn đen má trắng, vạc hoa, phượng hoàng đất, hươu xạ... Động vật dưới nước có 106 loài, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như: cá lăng, cá dầm xanh, cá chiên...; thực vật có 1.281 loài và tiêu biểu cho rừng Ba Bể là tập đoàn nghiến, trai, đinh, lát. Loài đặc hữu duy nhất chỉ có ở đây là trúc dây và táo đỏ.
Vì vậy, năm 2003, Vườn quốc gia Ba Bể trở thành Vườn Di sản ASEAN và năm 2005 Chính phủ đã đề nghị Uỷ ban UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới.
Cùng phối tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Vườn quốc gia Ba Bể còn phải kể đến dòng sông Năng - nguồn nước chính của hồ Ba Bể.
Đi vào trung tâm của Vườn quốc gia Ba Bể, chúng ta có thể đi ô tô vào hồ hoặc đi xuôi theo sông Năng từ bến Cuốc Lốm đi vào. Nhưng trong hai cách đi ấy nếu có nhiều thời gian thì nên đi theo tuyến dọc theo sông Năng. Bởi vì, sông chạy dọc theo lõi Vườn quốc gia với chiều dài hàng chục cây số.
Dòng sông Năng không rộng lắm và cũng không sâu nên dân địa phương vẫn dùng sào đẩy những chiếc thuyền độc mộc chở đầy hàng hoá ngược xuôi.
Hai bên bờ sông Năng, chủ yếu là địa hình các-tơ với những núi đá vôi dựng đứng. Có chỗ sông phải chảy qua một hang động rất lớn và tuyệt đẹp, đó là động Puông và xuôi về hạ lưu sông Năng còn có động Hua Mạ.
Tiếp đó là thác Đầu Đẳng chặn ngang dòng sông. Thác này có độ cao trên 6 chục mét và dài trên 8 trăm mét với nhiều bậc đá ghềnh tung bọt nước trắng xoá rất nên thơ.
Đi thuyền trên sông Năng ở địa hình các-tơ, điều thú vị nhất là dù đi trong tiết trời mùa hè, ta vẫn có được cảm giác mát rượi của gió sông; được sống trong khung cảnh thanh bình tràn ngập mùi hương của các loài hoa rừng; được nghe âm thanh rộn rã, véo von, trầm bổng của muôn loài chim hót; được ngắm một hệ thực vật vô cùng phong phú, trong đó có những cây trai, đinh, nghiến, lát... hàng trăm năm tuổi.
Xen lẫn với địa hình các-tơ, thỉnh thoảng còn có những vùng đất bãi bằng phẳng, khá rộng hai bên bờ sông. Nơi đây thường là những làng bản của bà con người Tày thanh bình bên những ruộng lúa, vạt ngô. Trẻ mục đồng lùa từng trâu, bò, ngựa, dê ra bãi ung dung gặm cỏ, còn chúng rủ nhau ra ngồi bờ sông câu cá.
Ở địa hình sông Năng tiếp giáp và cấp nước vào hồ Ba Bể là vùng sinh thái bán ngập. Nơi đây có các loài thực vật họ vối, sung... thân cây xù xì và có dáng như cây thế, mọc xanh tốt, tán xoà rộng sát với mặt nước.
Ở đây có những đàn cò và nhiều loài thuỷ sinh khác sinh sống. Khi thuyền của du khách chạy qua, chúng chỉ cần bay tránh vài chục mét rồi lại sà xuống ung dung bắt mồi. Những cảnh tượng nói trên, luôn tạo cho dòng sông Năng sự thơ mộng của một kỳ quan thiên nhiên kỳ thú.
Kết thúc du ngoạn trên sông hồ, ta có thể nghỉ trưa hoặc qua đêm tại những nhà nghỉ bên hồ. Những món ăn như: thịt dê núi đá, cá hồ, rau bồ khai... nhắm với rượu đặc sản Bó Nặm của người Tày chưng cất, sẽ làm cho ta khó mà quên được hương vị của những món ăn ấy.
Tại đây, ta cũng sẽ mua được rất nhiều dược liệu quý từ rừng Ba Bể làm quà cho người thân. Ta cũng sẽ được nghe những điệu hát then, si lượn, hát giao duyên của người Tày quyện vào không gian nguyên sơ, tĩnh lặng, thanh bình, để quên đi những ồn ã phố phường và trong lòng luôn mong một lần được trở lại du ngoạn trên sông Năng, hồ Ba Bể.