Hoạt động của ngành

Du lịch Bến Tre với tiềm năng phát triển

Cập nhật: 16/07/2014 16:05:07
Số lần đọc: 1693
Bến Tre là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước gần 60.000ha, cung ứng trên thị trường hàng năm trên 500 triệu trái dừa, đang dần khẳng định vị thế của mình trong phát triển ngành dừa, với tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa hàng năm trên 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Bến Tre còn có nhiều tài nguyên du lịch không chỉ về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn mà còn là nơi bảo tồn và phát triển đa dạng loại hình du lịch khác như: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch vui chơi giải trí. Năm 2014, ngành du lịch Bến Tre đã tạo một dấu ấn đặc biệt, có mức độ tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Trong năm 2013, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng hoạt động du lịch Bến Tre vẫn phát triển ổn định, đầu tư phát triển du lịch đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng cao, du lịch tỉnh Bến Tre đã có nhiều khởi sắc mới.

Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Bến Tre đã triển khai chương trình kích cầu du lịch đến các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với thúc đẩy các ngành dịch vụ, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, đầu tư hạ tầng giao thông du lịch và đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú. Theo số liệu thống kê năm 2013, Bến Tre có tổng số 56 cơ sở lưu trú, tăng 9 cơ sở so với năm 2012, trong đó tăng mạnh ở nhóm khách sạn 3 sao, thể hiện tính chuyên nghiệp, có sự chuyển hóa mạnh mẽ từ số lượng đơn vị cho đến số lượng phòng trong lĩnh vực khách sạn chưa được xếp hạng và nhà nghỉ. Tất cả các loại hình lưu trú đều đồng loạt tăng về số lượng khách đến, chứng tỏ lượng du khách tăng rất đồng đều từ những phân khúc thị trường khác nhau.

Với những lợi thế sẵn có, cùng với những định hướng chiến lược phát triển du lịch cụ thể, du lịch cũng là một trong những ngành được tỉnh xác định là ngành quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế tỉnh nhà.

Bến Tre tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch, cơ sở vật chất cũng đã được đầu tư nâng cấp ngày càng khang trang, thoáng mát, mỗi điểm du lịch trong tỉnh đều có khả năng phục vụ ít nhất trên 300 lượt khách trong ngày. Hệ thống các công trình di tích văn hóa - lịch sử không ngừng được trùng tu, bảo tồn để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch về nguồn, coi đây là một trong những loại hình ưu tiên phát triển của du lịch Bến Tre như: Công trình nhà cổ Hương Liêm (xã Đại Điền, Thạnh Phú), di tích đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), mộ và đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản (xã Bảo Thạnh, Ba Tri), di tích Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, Ba Tri), di tích Đồng Khởi (xã Định Thủy, Mỏ Cày Nam)…

Hiện nay, một số doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã khai thác chương trình tour du lịch về nguồn kết hợp với tham quan các điểm du lịch sinh thái tại Bến Tre đã thu hút một số lượng lớn du khách quốc tế từ thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ,… chủ yếu là khách đến từ các nước Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á,…

Hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch có quy mô lớn và hiện đại để phục vụ tốt nhất cho du khách cũng được đầu tư mở rộng. Hiện nay, một số nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn từ 2 đến 3 sao đang được đưa vào khai thác, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều khởi sắc mới cho du lịch Bến Tre.

Trong năm 2013, Bến Tre đã ký kết hợp tác phát triển du lịch cụm duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển du lịch “Bốn địa phương một điểm đến”, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch của bốn tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh. Năm 2014, với nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế du lịch tỉnh nhà, Bến Tre đang có những tiềm năng, thời cơ mới, đòi hỏi sự đồng hành cùng nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan của tỉnh, các huyện, thành phố trong tỉnh. Xác định được tầm quan trọng của sự phát triển du lịch, Bến Tre cần tập trung phát triển du lịch Bến Tre một cách bền vững, đúng hướng, tập trung khai thác thế mạnh những loại hình du lịch chủ lực, nâng cao nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đẩy mạnh xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực du lịch như: Dự án du lịch 08 xã ven sông Tiền, dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa- lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển; dự án du lịch biển cồn Tròn, cồn Hố, Ba Tri; dự án du lịch Mekong Pear; làng du kích kết hợp khu truyền thống Đồng Khởi.

Tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh đưa du khách về tham quan Bến Tre, tập trung khai thác thị trường khách tiềm năng, phát triển thị trường khách du lịch mới. Tiếp tục quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch Bến Tre đến với du khách. Đặc biệt, thông tin những chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với Bến Tre.

Với vị trí, vai trò quan trọng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch, nhiều lễ hội văn hóa địa phương, trong đó có lễ hội dừa mang tầm quốc gia được du khách trong và ngoài nước biết đến, du lịch Bến Tre đã dần khẳng định được thương hiệu của mình ở du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để du lịch xứ dừa Bến Tre ngày càng phát triển bền vững, ngày càng thu hút nhiều du khách, hơn bao giờ hết ngành chức năng và các doanh nghiệp du lịch, cùng các điểm đến du lịch dù lớn hay nhỏ hãy cùng đồng hành trách nhiệm và luôn đề cao các yếu tố “xanh, sạch, đẹp, văn minh, lịch sự, an toàn và mến khách” lên hàng đầu, thì chắc chắn du lịch Bến Tre sẽ là điểm sáng trong sự phát triển kinh tế - xã hội./.

Nguồn: bentre.gov.vn

Cùng chuyên mục