Non nước Việt Nam

Phong tục lễ cưới truyền thống của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (Hoành Bồ)

Cập nhật: 23/07/2014 11:04:34
Số lần đọc: 2107
Xã Bằng Cả huyện Hoành Bồ tỉnh Quảng Ninh là một xã trung du miền núi, có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, người Dao Thanh Y chiếm trên 97%.

Những giá trị văn hoá phi vật thể và vật thể của người Dao Thanh Y nơi đây đã được phục dựng và được biết đến như: Hội làng, lễ cấp sắc, hát giao duyên, cách chế biến rượu bâu, các trò chơi dân gian truyền thống, nhà ở truyền thống... Tuy nhiên, có một phong tục gắn với chu kỳ vòng đời người vẫn được duy trì và bảo tồn từ đời này sang đời khác đã trở thành dấu ấn trong tiềm thức, là nét đẹp văn hoá tinh thần của người dân nơi đây, đó là phong tục cưới.

Trước khi tổ chức hôn nhân, trai gái có được một thời gian tìm hiểu nhau, thông qua gia đình tiến hành chính thức với bốn nghi lễ như: Lễ dạm ngõ, lễ hỏi hay còn gọi là lễ đặc quả “tắp piấu”, lễ “ăn gánh” hay còn gọi là lễ “làm sách đỏ” và cuối cùng là lễ cưới. Với tính chất một nghi lễ mở đầu, nhà trai đặt cho nhà gái bằng một đôi đồng xu (tiền cổ) làm dấu hiệu thay lời mở đầu câu chuyện. Nếu nhà gái nhận đôi đồng xu ấy thì nhà gái viết họ tên tuổi của cô gái vào tờ giấy đỏ đưa cho bên nhà trai mang về “cắp” (so tuổi). Nếu so tuổi, đôi nam nữ hợp nhau thì nhà trai sẽ tiến hành lễ hỏi. Lễ hỏi được thực hiện bằng nghi thức bên nhà trai đưa cho bên nhà gái bảy đôi đồng xu (tiền cổ) làm tín hiệu thông báo tuổi của đôi trai gái đã hợp nhau. Những đôi đồng xu đó được đặt tại nhà gái để chờ sự quyết định của người con gái. Nếu đặt được một thời gian (một tháng trở lên) mà cô gái không trả lại có nghĩa là cô đã thuận tình để bên nhà trai có điều kiện tiếp tục lễ làm sách đỏ.

Lễ làm sách đỏ rất quan trọng, nó có ý nghĩa như một giai đoạn bản lề để đi đến sự quyết định cuối cùng của việc thành hôn. Nó vừa nói lên bước đầu sự công nhận của cộng đồng, vừa đặt ra những điều kiện đòi hỏi phải đồng thuận và nhân nhượng nhau, vừa thể hiện như cuộc vui của họ nhà gái. Họ nhà trai mang một đôi gà đến nhà ông “bung tóng” (ông mối) là hàng xóm của cô gái để chuẩn bị sắp lễ. Vào lúc 6 giờ tối, họ đội lễ sang nhà gái và làm các lễ: Xem chân gà để chứng kiến sự hạnh phúc đã được định của đôi lứa; làm sách đỏ như một hôn thư được cộng đồng phê chuẩn để quyết định ngày cưới chính thức. Cuối cùng, hai bên gia đình giao ước và quyết định ngày cưới.

Lễ cưới là nghi lễ cuối cùng và nhiều nghi thức nhất, trang trọng nhất và hoan hỉ nhất của toàn bộ cuộc thành hôn. Nghi lễ được tiến hành trong thời gian từ tối hôm trước đến hết ngày hôm sau, liên tiếp từ nhà gái sang nhà trai, bao gồm rất nhiều nghi thức như: Hát đối đáp giữa đoàn đón dâu nhà trai với nhà gái, lễ xe tơ, lễ “cắp púi” (tiếp nhận lễ vật do nhà trai mang đến), nghi thức níu giữ cô dâu… Vào ngày này, cô dâu sẽ mặc trang phục của dân tộc mình, đó là một bộ đẹp và cầu kỳ nhất. Điều quan trọng hơn là bộ trang phục phải do chính cô dâu tự thêu cho mình trước khi đi lấy chồng. Nếu người con gái không tự thêu được thì bộ trang phục mà cô dâu mặc trong ngày cưới phải do mẹ, chị, cô, dì hay bác của cô dâu thêu cho. Ngoài trang phục áo dài được thêu hoa văn cầu kỳ, về nhà trai, cô dâu còn có thêm những chiếc khăn thêu để buộc áo, chiếc mũ đội đầu thêu hoa văn có rua bốn bên và chiếc khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ màu sặc sỡ. Trang phục của chú rể thì có phần đơn giản hơn, đó là chiếc áo truyền thống của dân tộc có thêu hoa văn đơn giản và đội thêm một chiếc mũ vải cũng thêu hoa văn.

Đoàn rước đưa cô dâu đi, khi về đến gần nhà trai, bên nhà trai cho đốt một đống lửa ở đầu làng (nếu nhà cô dâu ở làng) để đón. Trước khi vào nhà phải qua một nghi thức “nám man” (cải sát), tức là phải bước qua một dải dây lưng do ông “chánh thinh” chăng ở cửa ra vào, với dụng ý là để ngăn chặn những điều xấu lẻn theo cô dâu vào nhà. Sau đó cả cô dâu, chú rể đứng lên chiếc chiếu, cũng đồng nghĩa là nghi lễ kết duyên bắt đầu. Đây là một nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người Dao Thanh Y, có ý nghĩa quyết định việc cô dâu chính thức kết duyên cùng người chồng của mình.

Chiếc chiếu được ví như chiếc giường hạnh phúc của đôi uyên ương được thầy cúng dùng phép biến hoá cầu cho đôi trai gái kết duyên trăm năm hạnh phúc. Lúc này, thầy cúng dùng phép xua đuổi tà ma và những gì không tốt đẹp của cả cô dâu, chú rể, chỉ để lại những điều tốt đẹp. Làm lễ xua đuổi tà ma xong, thầy cúng dùng phép biến hoá hai chén rượu trong mâm lễ thành hai chén rượu kết duyên để dành cho cô dâu và chú rể uống. Điều tối kỵ trong lễ kết duyên là từ khi bước vào trong nhà, tuyệt đối cô dâu, chú rể không được nói lời nào. Sau khi hoá xong hai chén rượu, một người sẽ đem cho cô dâu, chú rể uống, chứng tỏ họ đã được kết duyên vợ chồng trăm năm hạnh phúc. Sau lễ kết duyên, người giúp việc sẽ dọn cỗ xuống chiếu, trưởng đoàn cùng họ nhà gái uống rượu và dặn dò chú rể, cô dâu đoàn kết làm ăn thương yêu lẫn nhau. Ăn uống xong, để tiễn họ nhà gái, họ nhà trai sẽ cử một người hát một bài để chúc họ nhà gái đi về bình an, mong có được ngày tái ngộ...

Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người Dao Thanh Y đã có nhiều khởi sắc, cũng từ đó mà những nét văn hoá truyền thống được gìn giữ cho đến nay đang dần bị cải biến đi, như nam, nữ trước khi đi lấy vợ, lấy chồng được tự do tìm hiểu nhau, người phụ nữ khi đi lấy chồng thì gia đình nhà gái không còn khóc lóc để níu kéo cô dâu, một số tiết lễ giảm đi… Tuy nhiên, những giá trị tinh tuý nhất trong phong tục, nghi lễ cưới truyền thống của đồng bào thì vẫn được gìn giữ, nằm trong vốn văn hoá phi vật thể đặc sắc, riêng có của tộc người Dao Thanh Y nơi đây./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT