Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Bồi dưỡng kiến thức cho thuyết minh viên
Với diện tích lớn và có những thay đổi về cách bố trí, sắp xếp hiện vật cũng như dựng nhiều cảnh tượng lịch sử mới, lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên (HDV, TMV) tại Bảo tàng cũng được bồi dưỡng nâng cao về chất lượng thuyết minh cho du khách.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thuyết minh, đặc biệt là sau khi khánh thành giai đoạn I, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng thuyết minh. Hiện nay, khu vực trưng bày của Bảo tàng có nhiều điểm khác biệt so với nhà trưng bày cũ. Mặc dù chỉ xoay quanh diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng trước, Nhà trưng bày tạm chỉ có diện tích 464m2, hiện vật phải thu bớt vào và lượng thông tin cũng ít đi. Đến nay, Bảo tàng có diện tích lớn với hơn 1.500m2 trưng bày, đồng thời lượng hiện vật tăng gần gấp 3 lần. Do vậy lượng thông tin mà các HDV, TMV phải thuyết minh cho khách du lịch cũng sẽ tăng gấp 3 lần. Bởi vậy, trong số 12 cán bộ thực hiện công tác thuyết minh, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để 4 cán bộ đang học chuyên ngành thuyết minh, hướng dẫn tại Hà Nội. Sau khi hoàn thành khóa học này, đây sẽ là lực lượng thuyết minh có kiến thức, kỹ năng tốt để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nội dung thuyết minh cho khách du lịch tại Bảo tàng có nhiều thay đổi. Nhiều phần thuyết minh không còn qua tranh, ảnh, tài liệu hay mô hình như trước mà đã trưng bày hiện vật thật. Đặc biệt là có nhiều hiện vật gốc, thể khối lớn, như: Cao pháo, lựu pháo. Nhiều điểm trưng bày mới cũng được dựng lên mô phỏng diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Cảnh vẫy lá cờ Tổ quốc trên nóc hầm Đờ Cát; phòng vinh danh có diện tích hơn 50m2 nêu cao vai trò chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng lực lượng vũ trang tiêu biểu, các chiến sỹ, hình ảnh các chiến sỹ vẫy cờ Tổ quốc trên hầm Đờ Cát… Do vậy, nhằm đảm bảo chất lượng thuyết minh phù hợp với hoàn cảnh bố trí, sắp xếp trên, từ cuối năm 2013, đơn vị đã tích cực xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho các HDV, TMV. Trước khi đưa công trình vào sử dụng, Bảo tàng đã tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các TMV. Bảo tàng đã mời chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm, như: ông Đặng Hồng Thiều (một cán bộ làm công tác thuyết minh lâu năm của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) ở Hà Nội về bồi dưỡng những kiến thức cho đội ngũ TMV; khi kết thúc đợt bồi dưỡng, các HDV, TMV đều phải trải qua 2 lần sát hạch thì mới được tham gia thuyết minh phục vụ du khách.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết thêm: Trong quá trình đơn vị thi công đến giai đoạn nào thì các TMV cũng được Bảo tàng triển khai việc học và nắm bắt ý tưởng của giải pháp trưng bày, đồng thời cập nhật lượng thông tin về hiện vật đến đó. Do vậy từ khi đưa công trình vào sử dụng đến nay, chưa nhận được ý kiến phản hồi tiêu cực nào về tinh thần, thái độ phục vụ và chất lượng trưng bày từ khách du lịch. Về lâu dài, đơn vị đã đề xuất, kiến nghị với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn trong ngành những cán bộ HDV, TMV có khả năng về nghiệp vụ tốt nhất để thuyết minh tại Bảo tàng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng mỗi HDV, TMV. Hàng năm, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, đi tham quan học tập kinh nghiệm tại những điểm du lịch về công tác hướng dẫn, thuyết minh.
Để phát huy được giá trị lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ thì lực lượng thuyết minh tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giữ một vai trò quan trọng. Tin rằng với nhiều cố gắng, nỗ lực và biện pháp tích cực, đội ngũ HDV, TMV sẽ phát huy tốt vai trò của mình, góp phần phát huy giá trị lịch sử này./.