Tin tức - Sự kiện

Tháng Bảy về Quảng Trị

Cập nhật: 24/07/2014 11:59:49
Số lần đọc: 5741
“Tháng Bảy này áp mặt xuống dòng sông Nghĩa trang dưới kia bia mộ xếp hàng dài ra bể”                               (Nguyễn Trọng Luân)Trên con đường từ Bắc vào Nam, hiếm có mảnh đất nào mang nặng đau thương nhưng tràn đầy khí phách hào hùng như Quảng Trị; hiếm có nơi nào mà di tích chiến tranh nhiều và độc đáo như Quảng Trị, và hiếm có địa danh nào gợi lên nhiều cảm xúc như Quảng Trị trong những ngày tháng Bảy này. 

Tháng Bảy, về Quảng Trị, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng ngàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa. Đối với các anh, Quảng Trị không đơn giản chỉ là chiến trường nơi họ đã trải qua những ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đây còn là nơi các anh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân đẹp nhất, là nơi các anh đã để lại một phần xương máu, là nơi những đồng đội thân yêu đã vĩnh viễn ngã xuống: “Chiều trắng xóa và những linh hồn trắng/ Mây trắng bay và bướm trắng chập chờn/ Hương khói trắng và lòng ta lạnh trắng/ Đồng đội ơi! Chớp bể mưa nguồn” (Trương Vĩnh Tuấn) 

 

Dừng chân ở Vĩnh Linh, mảnh đất “Lũy thép anh hùng” với cầu Hiền Lương nối hai bờ giới tuyến - nhân chứng của nỗi đau đất nước chia cắt suốt hơn hai mươi năm, các cựu chiến binh ôn lại những tháng năm “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”, đêm đêm xâm nhập hàng rào điện tử Mc.Namara. Các anh gặp lại những đồng đội, đồng bào đã cùng nhau đấu tranh giữ cho lá cờ Tổ quốc luôn tung bay ở bờ Bắc sông Bến Hải, bởi đó là biểu tượng của lòng yêu nước, của khát vọng thống nhất non sông, khát vọng độc lập, tự do dân tộc. 

Ngược Quốc lộ 9, các cựu chiến binh thăm lại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 với những địa danh lừng lẫy như Làng Vây, Tà Cơn, điểm cao 689 (Cối xay thịt) từng làm cho lính Mỹ khiếp vía, kinh hồn. Và, nơi luôn được nhiều cựu chiến binh đến thăm vào tháng Bảy hàng năm là sông Thạch Hãn và Thành Cổ Quảng Trị, nơi mùa hè rực lửa năm 1972 đã diễn ra những trận đánh đẫm máu giữa ta và địch. Nơi đây, mỗi tấc đất, mỗi cành cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm máu đào của biết bao chiến sĩ quân Giải phóng và đồng bào Quảng Trị. Tượng đài Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn giống như ngôi mộ tập thể khổng lồ cho hương hồn của hàng ngàn liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của một thời huy hoàng và máu lửa: “Hễ có Việt Nam, có Cổ Thành/ Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/ Huân chương khó đủ từng viên gạch/ Tấc đất, từng giây, mỗi lá cành” (Trần Bạch Đằng). 

Tháng Bảy, về Quảng Trị, hòa cùng các đoàn cựu chiến binh là gia đình của các liệt sĩ và hàng vạn đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc. Mọi người về đây với lòng thành kính để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập hôm nay. Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ là nơi yên nghỉ của 52.000 liệt sĩ, trong những ngày này, nghĩa trang nào cũng nghi ngút khói hương. Có những người vợ đưa con đến thắp hương cho những người cha chưa hề biết mặt; có những bà mẹ già phải được hai người dìu hai bên đến để thỏa nguyện thắp một nén hương trên mộ con trước khi nhắm mắt. 

    

                                       Thả hoa trên sông Thạch Hãn

Tháng Bảy, Quảng Trị cũng là đích đến của các cuộc hành trình “Uống nước nhớ nguồn” của hàng chục ngàn thanh niên, học sinh từ các trường phổ thông, cao đẳng và đại học trên cả nước. Các bạn là thế hệ trẻ của ngày hôm nay đến Quảng Trị để hiểu thêm về nguồn cội và giá trị của đất nước độc lập và thống nhất, của cuộc sống hòa bình và hạnh phúc. Lặng người trước ngút ngàn bia mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, các bạn đau đớn khi nghe những con số kinh khủng về số bom đạn mà mỗi người dân, mỗi chiến sĩ ở Quảng Trị phải gánh chịu, lòng đầy căm phẫn khi chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh ở Thành Cổ, Gio Linh, Vĩnh Linh và tràn đầy niềm tự hào dân tộc trước những chiến công hiển hách của cha ông. Mỗi di tích lịch sử trên vùng đất lửa Quảng Trị là một thiên anh hùng ca về tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của con người Việt Nam. Sau khi trải qua những giờ phút đắm chìm trong quá khứ, các bạn trẻ cùng ngỡ ngàng ngắm nhìn những đổi thay của Quảng Trị hôm nay. Trước mắt các bạn là ngút ngàn cà phê, cao su, tiêu, chè trên vùng đất đỏ bazan ở Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh cùng những cánh đồng lúa xanh mướt của Triệu Phong, Hải Lăng, với hàng ngàn cánh buồm vươn khơi xa bám biển từ Cửa Tùng, Cửa Việt và hàng trăm ngàn chuyến xe ngày đêm ngược xuôi trên lộ trình xuyên Á qua cửa khẩu Lao Bảo. Quảng Trị đang hồi sinh mạnh mẽ sau một thời đạn lửa chiến tranh. Trở về từ Quảng Trị, dường như trong lòng bạn trẻ nào cũng vang lên câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” như một lời nhắn gửi thế hệ tiếp bước đi sau phải xứng đáng với những người đi trước. 

Tháng Bảy, về Quảng Trị còn có bạn bè từ khắp năm châu và rất nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Họ đến địa đạo Vịnh Mốc, khu DMZ, Khe Sanh, sân bay Ái Tử, Thành Cổ Quảng Trị, trường Bồ Đề, cảng Cửa Việt, các bảo tàng, khu lưu niệm và rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ. Đến Quảng Trị, cùng với người dân nơi đây sống những ngày tháng Bảy này, họ đã nhận ra rằng Việt Nam chiến thắng vì Việt Nam có chính nghĩa, vì nhân dân Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, tự do và muôn người như một, sẵn sàng hy sinh tất cả, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” để giành độc lập, tự do. Đó là sức mạnh tổng hợp của Việt Nam. 

Cả trong quá khứ và hiện tại, Quảng Trị gắn bó với tháng Bảy bằng nhiều sự kiện lớn: Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh vào tháng 7/1968, mùa Hè rực lửa ở Thành Cổ Quảng Trị vào tháng 7/1972, sự kiện lập lại tỉnh Quảng Trị vào tháng 7/1989. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Quảng Trị và tháng Bảy mang đến nhiều cảm xúc đến vậy. Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Trị và tháng Bảy làm ta thêm trân trọng quá khứ, yêu quý mảnh đất và con người nơi đây cũng như thêm tin tưởng ở tương lai của đất nước Việt Nam anh dũng, kiên cường, “Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về!” (Nguyễn Đình Thi). 

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT