Nhiều hang động tại Đắk Nông được phát hiện rất có tiềm năng khai thác du lịch
Qua đợt khảo sát thực tế, Sở đã phát hiện một hệ thống hang động có tiềm năng khai thác du lịch rất lớn. Hệ thống các hang động này được đánh giá rất thuận lợi cho việc khai thác phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch mạo hiểm kết hợp khám phá hệ thống thác nước dọc sông Sêrêpốk.
Theo đánh giá ban đầu của đoàn khảo sát, các hang động hình thành do kết quả của quá trình phun trào của núi lửa Buôn Choah, xã Buôn Choah. Chiều dài hệ thống hang khoảng 25km, rộng khoảng 5km, kéo dài từ miệng núi lửa tại Buôn Choah, dọc theo chiều dài sông Sêrêpốc đến khu vực thác Đ’ray Sáp, huyện Krông Nô.
Phát hiện ba hang động có giá trị tiềm năng khai thác du lịch lớn gồm: Hang động số 1 nằm cạnh Cụm du lịch sinh thái thác Đ’ray Sáp, miệng hang rộng khoảng 1m, chiều dài hang khoảng 200m, chiều cao trung bình khoảng 2m, nhiều đoạn cao thấp khác nhau. Hang có đường thông ra ngoài, đi lại thuận lợi.
Hang động số 2 cách vị trí thác Đ’ray Sáp khoảng 3km, có đường mòn xe ô tô đi đến miệng hang. Miệng hang rộng, chiều ngang khoảng 15m, đi vào khoảng 50m hang chia thành hai nhánh, mỗi nhánh có độ dài khoảng 300m, chiều cao khoảng 6m, đường đi rộng, thoáng mát không đọng nước, tuy nhiên hang không có đường thông đi ra.
Hang động số 3 thuộc địa phận Lâm trường Đức Lập (xã Buôn Choah, huyện Krông Nô) là hang xa nhất cách vị trí thác Đ’ray Sáp khoảng 30km. Miệng hang rộng khoảng 8m, chiều dài hang khoảng 200m, chiều cao khoảng 10m. Trong hang này đi lại không thuận lợi do kết cấu tầng đá bên trên mỏng, chủ yếu là đá bọt, độ gắn kết thấp, giao thông đi lại chưa thuận lợi, xa dân cư.
Ngoài ba hang động trên, dọc khu vực sông Sêrêpốk còn có hàng chục hang nhỏ khác nhau. Các hang này đa số nằm trong khu rừng đặc dụng Đ’ ray Sáp, có cảnh quan rừng nguyên sinh, thác nước…Trong tương lai, nếu khai thác các điểm hang động một cách hợp lý, có quy hoạch cụ thể thì đây sẽ trở thành điểm thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, khám phá./.
Hương Lê