Tin tức - Sự kiện

Quảng Ninh sẽ có thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn trên Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 14/10/2008 07:10:56
Số lần đọc: 1405
Làng chài Cửa Vạn, sáng ngày 3/10, những nhà bè nằm yên bình bên dãy núi đá trong vụng tùng sâu. Đây đó vang lên tiếng người gọi nhau mua bán cá, tiếng trẻ em học bài trong lớp học nổi. Những làn khói xanh mỏng manh bay lên từ những chiếc mủng của mấy gia đình thổi cơm sớm làm cho khung cảnh càng nên thơ.

Trong không gian ấy nổi bật lên một chiếc thuyền nhỏ gắn máy, trên có trang trí những dây hoa sặc sỡ với những lão ngư mặc áo the, khăn xếp, những chàng trai mặc áo nâu tay bưng hộp trầu cau đứng sau chú rể mặc áo dài màu đỏ, bên cạnh là ông Chánh sứ (đại diện gia đình) và bà Bù đa (bà mối). Đã tới giờ tốt, chiếc thuyền nhè nhẹ bơi dọc làng chài tiến đến chiếc thuyền của nhà gái đậu cách đó không xa. Trên thuyền nhà gái khi ấy cũng đã có những ông, bà đại diện cho dòng họ mặc áo dài, khăn xếp nghiêm trang cùng khoảng gần 10 cô gái vận váy đen, áo tứ thân, thắt lưng màu vàng nhạt xếp thành hàng đôi, cứ hai cô cầm chung một dải lụa - tượng trưng cho một cửa mà nhà trai phải đi qua. Phía trong, cô dâu mặc áo dài màu hồng, e ấp, trên đầu cài một đoá hoa tươi. Đến cách thuyền nhà gái, đoàn thuyền nhà trai lượn quanh một vòng và hát: Lơ thơ buồm lá dạo ngoài/ Lạ lùng chẳng biết lạch ngòi ở đâu. Nhà gái vờ không biết sự kiện đón dâu, một đại diện cất lời đáp: Còn đang giấc ngủ hồn mai/ Bâng khuâng ai biết có ai mà chào... Khi họ nhà gái đã ra chào, nhà trai bèn cho thuyền tiến sát thuyền nhà gái, hai mũi thuyền song song nhau. Tuy nhiên, chặng đường phía trước mới nhiều gian nan: Để được lên thuyền đón dâu về, nhà trai phải hát đối được với nhà gái sao để lần lượt qua được ba ngõ: đầu tiên là ngõ khách (dải lụa màu xanh, tượng trưng cho biển trời, thiên nhiên), kế đến là ngõ treo (dải lụa màu vàng, tượng trưng cho sự no ấm, phú quý) và sau cùng là ngõ hoa (dải lụa màu đỏ, tượng trưng cho hạnh phúc). Trong các lời hát, có hát hỏi họ tên, quê quán của khách, hát đố về địa danh, hoa lá, chim muông... Khi nhà gái đã chịu để nhà trai sang cả thuyền để rước dâu là lúc cô dâu, chú rể làm lễ tổ tiên, cô dâu lạy chào bố mẹ để về nhà chồng. Mẹ cô dâu dặn dò con gái: Về làm con cái nhà người/Tảo tần khuya sớm con thời chớ quên. Thuyền quay mũi về nhà trai. Các cô gái, chàng trai lại hát để cho vui vẻ và cô dâu cũng bớt buồn khi lần đầu xa cha mẹ, gia đình...

Trên đây là một cảnh trong tục hát đám cưới thuộc khuôn khổ dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể cư dân làng chài Cửa Vạn do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã và đang thực hiện. Mục đích là nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cư dân làng chài, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch văn hoá trên Vịnh Hạ Long, hấp dẫn du khách. Sau mấy tháng trời bắt tay phục dựng, tới nay dự án đã cơ bản hoàn thành. Thạc sĩ Cao Đức Bình, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch), thành viên dự án, cho biết: Hồi đầu bắt tay vào khôi phục, chúng tôi không khỏi lo lắng vì những người biết các điệu hát, câu hò truyền thống chỉ còn ở một số ông bà già trong làng chài. Tuy nhiên, cũng nhờ các hạt nhân này đã truyền thụ cho lớp trẻ hiểu được  giá trị, sự cần thiết phải giữ gìn cái nét văn hoá mà cha ông để lại nên tới nay các cháu hát đã khá nhuyễn, có thể phục vụ khách được rồi. Để có được kết quả bước đầu như trên, được biết, cả thạc sĩ Bình và NSƯT Trọng Bình, Trưởng Đoàn Chèo Quảng Ninh đã phải mang ba lô nằm vùng tại làng chài Cửa Vạn nhiều ngày, có đợt tới 15 ngày liên tục. Minh - cô gái đóng vai cô dâu, tâm sự: -Chính sự nhiệt tình của các thầy đã khiến chúng em quyết tâm học tập, tập luyện nghiêm túc hơn!. Theo NSƯT Trọng Bình, mặc dù mới chỉ là tập luyện nhưng đã có rất nhiều khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, khi đến thăm Cửa Vạn đặc biệt thích thú. Họ quay phim, chụp ảnh và đứng hàng giờ xem các thôn nữ làng chài hát đối. Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Bình cho biết: Thực ra ý tưởng ban đầu của dự án là bảo tồn cả một không gian văn hoá làng chài Cửa Vạn (giống như không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên), tuy nhiên, tỉnh lại chỉ đạo tách ra, giao phần bảo tồn vật thể cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (bao gồm đóng thuyền, bè và ngư cụ theo kiểu dáng truyền thống của làng chài trước đây), giao phần bảo tồn văn hoá phi vật thể cho Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Rất tiếc, cho tới nay phần vật thể chưa triển khai được nhưng chúng tôi vẫn phải làm; làm trước bởi nếu để muộn e rằng sẽ càng khó khăn hơn. Thạc sĩ Bình còn nói thêm: Để dự án sống được, cái quan trọng nhất là phải làm cho nó sống tự nhiên trong đời sống dân chài, nghĩa là mỗi người dân làng chài phải hiểu được nó là một phần, cần thiết như cơm ăn nước uống; hiểu được chính họ chứ không phải ai khác là người được hưởng lợi trực tiếp của dự án. Theo ông Nguyễn Văn Cho, người đã có rất nhiều đóng góp cho dự án Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn, thì số người hiểu được điều đó ở làng chài còn ít... -Chúng tôi sẽ tuyên truyền để bà con hiểu rằng việc này chỉ có lợi cho mình mà thôi! - Ông Cho nói.

 

Có thể nói, những năm qua lượng khách đến thăm Vịnh Hạ Long ngày càng đông. Tuy nhiên, sản phẩm, dịch vụ du lịch ở Hạ Long vẫn rất nghèo nàn. Đây là một hạn chế mà tỉnh cũng như ngành Du lịch đã thừa nhận, coi là một trong những bất cập cần khắc phục. Việc có một sản phẩm du lịch văn hoá như tục hát đám cưới của ngư dân làng chài Cửa Vạn do vậy sẽ rất có ý nghĩa, giống như một mũi tên trúng nhiều đích. Xem dân chài hát đám cưới truyền thống, khách du lịch sẽ có cơ hội khám phá, hiểu hơn về nét đẹp nhân văn của di sản thế giới Vịnh Hạ Long. Để tục hát đám cưới thực sự trở thành một đặc sản du lịch văn hoá (giống như ca Huế trên sông Hương), đòi hỏi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngư dân làng chài - Ban Quản lý Vịnh Hạ Long - Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch - các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là du lịch lữ hành. Có thể xây dựng thành các “sô” diễn, mỗi tuần 2-3 buổi, hoặc diễn theo yêu cầu du khách. “-Không có gì là không thể làm được, nếu quyết tâm!” - Thạc sĩ Cao Đức Bình quả quyết với tôi như vậy.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT