Hành trang lữ khách

Những điều cần lưu ý khi tới thăm nhà người Thái

Cập nhật: 10/09/2014 15:02:31
Số lần đọc: 3000
Nổi tiếng với lòng hiếu khách nhưng đồng bào dân tộc Thái cũng có những quy tắc nhất định trong ăn, ngủ, trò chuyện mà bạn cần nắm được khi lên Tây Bắc.

Người Thái ở Việt Nam được chia làm ba nhóm chính là Thái Đen, Thái Trắng và Thái Đỏ. Cách phân biệt là theo màu khăn những người phụ nữ Thái quấn trên đầu. Dân tộc này có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Nếu bạn tới thăm một gia đình người Thái, có một số điều bạn cần biết.

1. Xin phép

Tới thăm bản người Thái hay bất cứ bản, làng người dân tộc nào việc đầu tiên bạn cần làm là xin phép trưởng bản. Đó là người đứng đầu trong bản, việc làm này thể hiện sự tôn trọng của bạn, cũng đảm bảo an ninh trong bản và cho chính bản thân bạn.

2. Nhà người Thái

Đặc điểm nhận dạng nhà người Thái là nhà sàn, được làm cao hơn mặt đất từ hai đến ba mét. Ngày xưa người Thái xây nhà cao với mục đích tránh thú dữ và nuôi giữ vật nuôi. Mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình đều diễn ra ở bên trên, đặc biệt buổi tối không ai xuống đất vì khi ấy thú dữ đi săn mồi rất nguy hiểm. (Thậm chí các gia đình phải xây cầu nối từ nhà này sang nhà kia). 

3. Lên nhà

Trước khi lên nhà, bạn phải đứng dưới cầu thang gọi trước, hỏi xem có ai ở nhà không. Một phần để đợi sự cho phép của chủ nhà, một phần nếu tùy tiện bước lên bạn sẽ dễ bị chó cắn. Với người Thái, bị chó cắn tức là sẽ gặp xui xẻo trong ba năm.

Trước khi bước lên cầu thang bạn nên xem chủ nhà họ để giày dép ở đâu thì mình để ở đó. Không tùy tiện mang giày, dép lên trên nhà nếu không được sự cho phép hoặc hướng dẫn từ chủ nhà. Và chắc chắn bạn không được đi giày, dép vào bên trong nhà.

Nhà của người Thái chia làm hai phần. Phần cao là nơi giành cho chủ nhà và người lớn tuổi. Khách tới thăm không được ngồi phần phía trên khi chưa có sự cho phép. Trong nhà có gian thờ cúng là nơi con dâu, con rể và khách không được vào. Nếu vào trong một gia đình người Thái, bạn nên chờ sự hướng dẫn của chủ nhà, không nên tùy tiện ngồi vào bếp hay bàn ghế. Đặc biệt không được ngồi lên cửa sổ và tối kỵ lúc ngồi, nằm ngủ chỉ chân mình lân phía bàn thờ tổ tiên.

4. Chào hỏi, nói chuyện

Người Thái chào hỏi cũng giống người Kinh. Chào từ người lớn tuổi đến người ít tuổi. Khi nói chuyện với một người Thái không nên chỉ tay vào mặt và khi muốn chỉ cho chủ nhà cái gì đó thì không được dùng chân chỉ mà chỉ được dùng tay. Người Thái rất kỵ dùng chân để chỉ cái gì đó. 

5. Khi ăn

Khi ăn cơm cùng một gia đình người Thái bạn cần chú ý: Bố mẹ ngồi phía trên, con dâu, con gái và khách ngồi dưới. Trong mâm cơm sẽ có một đĩa muối, ớt đặt cạnh hai chén rượu. Trước khi ăn cơm và sau khi kết thúc bữa ăn phải rót vào hai chén một ít rượu để cảm tạ công ơn ông bà, tổ tiên. Cũng có nơi trước và sau khi ăn, người Thái chấm đầu ngón tay vào hai chén rượu và vẩy qua hai bên vai. Người Thái quan niệm hai bên vai là hai vị thần hộ mệnh, vẩy qua hai bên để ông bà, tổ tiên phù hộ cho đi đường may mắn, bình an.

Một điều cũng rất quan trọng, khi tới nhà người Thái đúng bữa ăn. Dù bạn đã no cũng vẫn phải ngồi vào mâm cơm và uống chén rượu cùng chủ nhà. Khi tới mà chủ nhà chưa kịp giết gà đãi khách, bạn vẫn ngồi bên cạnh mâm cơm cùng hai chén rượu và đĩa muối ớt chờ tới khi chủ nhà làm xong cơm. 

Nếu chủ nhà đã thịt gà khách không được bỏ về khi chưa ăn, người Thái quan niệm điều đó là không tôn trọng. Khi ăn không dùng đũa gõ bát, gõ mâm, uống rượu xong không được úp bát, úp chén xuống. Người Thái thường ăn cơm nếp. Bạn có thể dùng tay bốc và nắm cơm lại để ăn. Ngoài ra, mỗi khi cạn chén rượu người Thái thường bắt tay nhau thể hiện tình cảm.

6. Khi ngủ

Trong nhà của người Thái có chia khu vực ngủ riêng cho ông bà, bố mẹ, con cái và khách. Bạn không nên tùy tiện nằm vào giường trong nhà nếu không được phép. Không gian ngủ thường chung nhau nên khi ngủ bạn không nên làm phiền tới những người khác trong nhà. Nhà người Thái xây gần nhau, buổi tối sau 10h không nên nô đùa ầm ỹ gây mất trật tự, ảnh hưởng tới những người xung quanh.

7. Ngôn ngữ cổ

Người Thái có ngôn ngữ cổ của riêng mình. Những cuốn sách hàng trăm năm tuổi, lưu giữ các thông tin lịch sử, thiên văn, các bài hát, thơ ca, sử thi qua các thời kỳ. Nếu muốn một lần được tận mắt chứng kiến những giá trị văn hóa vô giá này, bạn cần tìm tới nhà già làng trong bản.

Người Thái hay bất cứ dân tộc nào khác, điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng chủ nhà. Người Thái nổi tiếng hiếu khách, khi được một gia đình người Thái quý bạn là một người rất may mắn./.

 

Nguồn: dulich.vnexpress.net

Cùng chuyên mục