Phát triển du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Với chủ đề "Khai thác hợp tác du lịch và phát triển tương lai tại châu Á-Thái Bình Dương," sự kiện đã thu hút 152 đại biểu tới dự, trong đó có các Bộ trưởng Du lịch hoặc đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC, các đoàn đại biểu của Ban thư ký APEC, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), Hội đồng lữ hành và du lịch (WTTC), Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương, và Trung tâm du lịch bền vững quốc tế của APEC.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận năm chủ đề chính gồm hội nhập các thị trường du lịch châu Á-Thái Bình Dương, tạo điều kiện biến đổi và tăng trưởng ngành công nghiệp du lịch, thúc đẩy du lịch thông minh với công nghệ mới và kết nối lữ hành châu Á-Thái Bình Dương, và khuyến khích phát triển du lịch thân thiện với môi trường và hợp tác giữa các hãng du lịch.
Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ tám, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc Shao Qiwei, cho biết do sự khác nhau về lịch sử, văn hóa và thể thao của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nền kinh tế thành viên tạo thành những điểm đến với thương hiệu độc đáo, nhờ đó phát triển mạnh thị trường du lịch khu vực. Ông Shao Qiwei còn cho rằng các thành viên APEC cần cùng nhau nỗ lực phát triển và cải tạo ngành du lịch của khu vực hướng đến thị trường du lịch nghỉ dưỡng, áp dụng công nghệ trí tuệ, carbon thấp và phát triển bền vững.
Ủy ban Du lịch Thế giới dự báo đến năm 2024, ngành lữ hành và du lịch sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế APEC tăng 4,6%, tạo ra 40 triệu việc làm. Năm ngoái, doanh thu ngành du lịch đạt 3.600 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng GDP của khu vực, tỷ lệ tạo việc làm mới chiếm 8,6% và 355 triệu lượt khách đã tới khu vực này.
Trưởng Nhóm công tác Du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương Javier Esteban Guillermo Molina nhận định việc nâng lượng du khách nhờ cải thiện chất lượng tour du lịch cũng chính là yếu tố căn bản để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Theo ông, các nền kinh tế thành viên APEC đã nỗ lực giảm thiểu thời gian làm thủ tục của du khách tại các sân bay trong khu vực.
Châu Á-Thái Bình Dương là nơi tập trung 21/30 sân bay bận rộn nhất thế giới. APEC đã lên kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của du khách, như cải thiện trình tự xin visa và giới thiệu tour du lịch đáng tin cậy, thông qua cửa khẩu nhanh nhất với rủi ro thấp…
Về phần mình, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, tiến sỹ Alan Bollard nhấn mạnh chính sự mở rộng của tầng lớp trung lưu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, tạo cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế khu vực. Tuy nhiên, áp lực đến từ hạ tầng cơ sở giao thông không theo kịp sự phát triển ngày càng nhiều, từ sân bay đến đường bộ tại khu vực cửa khẩu biên giới, hay các nhu cầu mới của du khách và công nghệ ứng dụng trong du lịch sinh thái.
Tiến sỹ Bollard cho rằng cần sớm nâng cấp và hiện đại hóa ngành du lịch cùng hệ thống thiết bị đồng bộ, nhằm theo kịp với những biến đổi nhanh chóng của thị trường./.