Tin tức - Sự kiện

Tạp chí Pháp Le Figaro ca ngợi vẻ đẹp của Huế, Hội An và Đà Nẵng

Cập nhật: 15/10/2008 09:45:26
Số lần đọc: 1659
Họ đến từ khắp nơi, trong tiếng xe máy nổ giòn giã, vui tươi như những con búp bê. Guốc cao gót thong thả với những bàn chân hoàn hảo và chiếc áo dài phất phơ trước gió.
Trùm mặt. Che đầu. Đó là những “nữ kỵ sĩ” xinh đẹp đi xe máy rảo khắp các đường phố Huế và Hội An, vừa tuân theo luật giao thông “đội nón bảo hiểm” vừa giữ được nét đỏm dáng cổ truyền, “bảo vệ da mặt” khỏi bị ăn nắng. Kỳ lạ là trên những chiếc nón nhựa lại được bao bọc bằng những mảnh vải nhiều màu sắc, tạo thành chiếc mũ rộng vành xinh đẹp, vừa giữ được nét duyên dáng vừa bảo vệ cái đầu khi gặp tai nạn. Họ lại trang bị thêm một chiếc khăn che mặt có thêu ren, móc vào hai lỗ tai.
 
Ngày nay, sông Hương chỉ có thể mường tượng qua bức màn sương mù phủ trùm lên thành phố Huế, cố đô của xứ An Nam. Bên kia là hoàng cung, với những bức tường hùng vĩ, phủ đầy rong rêu. Những ngôi đền và Tử Cấm Thành ngày nay chỉ còn là đống đổ nát. Chiến tranh đã tàn phá thật nghiệt ngã. Chỗ này, những người thợ sơn đang làm việc; chỗ kia các thợ cẩn đang tái tạo những con rồng hay kỳ lân bằng mảnh vụn gốm ghép, đặt trên nóc nhà. Chỉ với hy vọng nơi đây không biến thành công viên giải trí Disneyland!
 
Nhưng Huế cũng còn có truyền thống ẩm thực phi thường, mang phong cách hoàng cung, đã có từ thời vua Tự Đức. Mỗi món ăn là một bức tranh tuyệt đẹp. Chẳng hạn một trái dứa được gắn những chiếc nem và một cái đầu bằng rau củ để tạo hình con công. Nhà hàng có loại thực đơn này là những tòa nhà cổ. Một điểm đặc biệt nữa là các hoàng đế nhà Nguyễn có nhiều vợ và con. Do đó rất nhiều người ở đây thuộc dòng dõi hoàng tộc. Ông Phan Thuận An, một nhà sử học nổi tiếng, sống trong biệt thự của công chúa Ngọc Sơn, vốn bà ngoại của vợ ông. Một căn nhà được xây dựng theo phong thủy. Nếu Hà Nội và nhiều thành phố khác đã được hiện đại hóa dần dần, thì Huế vẫn trung thành với truyền thống cổ xưa. Bởi thế căn nhà này quay mặt về hướng nam, được bảo vệ bằng một mảnh vườn có tượng rồng và cọp bằng đá. Sau khi viếng chùa Thiên Mụ và lăng tẩm của các hoàng đế, bạn có thể đi về hướng nam, đến Đà Nẵng.
 
Đà Nẵng có Viện Bảo tàng điêu khắc Chăm, nơi lưu giữ hiện vật do trường Viễn Đông Bác cổ đào bới được. Người ta sẽ hiểu rõ hơn nền văn minh pha trộn văn hóa Ấn Độ và Hindu này khi thăm khu di tích Mỹ Sơn, có dáng dấp như đền Angkor nằm giữa rừng. Nhiều công trình bị hủy hoại vì chiến tranh, nhưng vẫn còn phảng phất nét đẹp và thơ mộng đến dị thường. Có lẽ do cây cỏ mọc um tùm bao phủ, tre và dương xỉ bám chặt vào mái nhà, dây leo quấn quanh mặt các bức tượng và đầu cột rong rêu bám vào tường gạch...
 
Cuối cùng du khách đến Hội An, một hải cảng cổ nằm trên bờ sông Thu Bồn. Ngồi trước những chiếc thuyền đáy bằng, mấy bà lão cố mời du khách đi dạo trên dòng sông êm ả. Một số khác đội những chiếc thúng chứa đầy bánh kẹo bán rong. Nhưng kinh doanh ở đây chủ yếu là may mặc. Những căn nhà gốc Nhật, Tàu và Việt Nam biến thành xưởng thợ. Hãy bước vào trong để chiêm ngưỡng giếng nước, những hàng cột bằng cây mít và mắt cáo, những lá bùa hình hoa lá. Muốn quên đi mọi việc đời hãy cưỡi xe đạp đi dưới những hàng cây dừa, nằm giữa các cánh đồng dẫn sang một thế giới khác. Thế giới của những tay đi câu cá trầm tĩnh và những chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu...
Nguồn: website báo CA TP.HCM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT