Hoạt động của ngành

Quảng Ngãi: Cần lưu giữ nhà sàn truyền thống của người H’re

Cập nhật: 25/09/2014 10:36:12
Số lần đọc: 1959
Gần đây, sinh hoạt của nhiều hộ đồng bào ở các huyện miền núi, tỉnh Quảng Ngãi đã có những thay đổi nhanh chóng, nhất là ở những khu tái định cư mới do xây dựng thủy điện Đăkdrinh và công trình hồ chứa nước Nước Trong. Nhiều nhà sàn truyền thống của đồng bào H’re đang dần mất.

Đi trên mảnh đất miền Tây Quảng Ngãi trong những ngày giữa tháng 9 này, chúng tôi cảm nhận đã xuất hiện nhiều khu tái định cư cho đồng bào nằm trong vùng dự án hầu như đã đô thị hóa. Nhà cửa xây dựng theo kiểu người dân miền xuôi. Nhiều hộ đồng bào vùng cao hiện nay đã làm nhà trệt xây tường bằng gạch, mái ngói …

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để cho biết: “Trước thực trạng nhà sàn truyền thống của đồng bào trong huyện đang được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiến trúc mới, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền, định hướng cho người dân giữ gìn thật tốt các nếp nhà sàn truyền thống. Về cơ bản, vẫn làm theo kiểu nhà sàn truyền thống, chỉ thay trụ gỗ bằng trụ bê tông, lợp ngói cho vững chắc”.

Trước “cơn lốc” đô thị hóa cũng như sự cạn kiệt của nguồn vật liệu (chủ yếu là gỗ), đồng bào ở các buôn làng đã chuyển từ nhà sàn truyền thống bằng gỗ sang làm nhà bằng bê tông cốt thép, hay làm nhà trệt theo kiểu nhà ở của đồng bào Kinh. Thậm chí, ngay với những nhà văn hóa cộng đồng được chính quyền đầu tư xây dựng tại các xã miền núi cũng làm nhà bằng bê tông, tường xây bằng gạch, cầu thang, cột nhà đều đổ bê tông... Nhiều già làng cho rằng, những ngôi nhà xây dựng kiểu mới này không có hồn cốt của nhà sàn truyền thống bằng gỗ của đồng bào H’re.

Trong bối cảnh đó, đồng bào H’re ở các xã vùng cao, vùng sâu đang khôi phục lại nhà sàn truyền thống. Họ đã có cách bảo tồn các ngôi nhà sàn khá hiệu quả. Già làng Phạm Văn Thọ, ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ cho biết: Hiện nay nhiều già làng ở các thôn vùng cao đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp với dân trong buôn, thông báo hộ nào có nhu cầu làm nhà ở mới theo kiểu nhà của đồng bào Kinh (không phải nhà sàn truyền thống) thì chỉ được làm ở phía sau các ngôi nhà sàn truyền thống. Nếu hộ gia đình nào không chấp hành, buôn làng phạt và buộc phải tháo dỡ. Nhờ vậy, hiện nay một số làng, xã trong huyện vẫn giữ được cốt cách nhà sàn truyền thống của đồng bào H’re. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi nhà sàn truyền thống này đang ngày một xuống cấp. Nếu không được quan tâm bảo tồn sớm, khoảng vài năm nữa, nhà sàn của đồng bào H’re chỉ còn là ký ức.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ khẳng định: Nhà sàn truyền thống của đồng bào H’re ở miền Tây Quảng Ngãi là một kiến trúc độc đáo, một nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Tây Nguyên nói chung, và của Quảng Ngãi nói riêng. Tuy nhiên, hiện cả tỉnh chỉ còn vài nghìn ngôi nhà sàn truyền thống, chiếm khoảng gần 30% trong tổng số nhà của đồng bào H’re. Thậm chí, tại các xã như Trà Xinh, Trà Thọ (huyên Tây Trà), Ba Trang, Ba Khâm (huyện Ba Tơ), Sơn Lập (huyện Sơn Tây)… nhà sàn truyền thống còn rất ít và đang xuống cấp trầm trọng.

Rõ ràng, nhà sàn của đồng bào H’re cần được lưu giữ để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Và các phong tục tập quán, nghi lễ, cồng chiêng, uống rượu cần và các làn điệu Ka lêu, Ka choi của đồng bào H’re sẽ được phát huy có hiệu quả./.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục