Hoạt động của ngành

Du lịch sinh thái vườn ở Hưng Phong (Bến Tre) đang trên đà phát triển

Cập nhật: 03/10/2014 13:39:09
Số lần đọc: 2871
Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, cách thành phố Bến Tre khoảng 13 km đường bộ, là một cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông.

Cồn Ốc cũng giống như ở các cù lao An Bình (Vĩnh Long), Cồn Thới Sơn (Tiền Giang), cồn Ốc (Hưng Phong) có khung cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình, với một rừng dừa xanh thẳm với một bộ sưu tập các loại dừa phong phú, có làng nghề đan giỏ cọng dừa truyền thống và các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa.  Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi  để Hưng Phong phát triển du lịch sinh thái vườn kết hợp tham quan làng nghề tiểu thủ công nghiệp địa phương.

Xác định được thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái vườn ở Hưng Phong, trong thời gian qua lãnh đạo huyện Giồng Trôm, lãnh đạo ủy ban nhân dân (UBND) xã Hưng Phong cùng các cơ quan quản lý du lịch đã đẩy mạnh thực hiện một số công việc  bước đầu cho dự án  phát triển du lịch sinh thái vườn ở Hưng Phong như: Tổ chức hội thảo phát triển du lịch sinh thái, tổ chức các chuyến khảo sát mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, homestay ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tiến hành khảo sát các tuyến đường du lịch, các điểm du lịch, làng nghề,...Một số người dân nơi đây bắt đầu xây dựng điểm tham quan du lịch trên mảnh đất nhà. Qua đó, thấy rõ được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và tâm huyết muốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái vườn ở địa phương của các hộ dân.

Hiện nay, xã có diện tích đất tự nhiên trên 1000 ha,  trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 600 ha, phần  còn lại là diện tích đất thổ cư, đất phục vụ công trình giao thông và sông rạch. Trước đây, cồn Ốc là vùng đất thưa thớt cư dân, điều kiện sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trải qua nhiều biến chuyển, hiện  nay người dân ở các địa phương khác về đây sinh sống có đến gần  1.500 hộ,  6000 nhân khẩu. Kinh tế chính của người dân ở đây là kinh tế nông nghiệp, còn lại là  kinh doanh nhỏ lẻ, các ngành nghề khác nhau nhưng quy mô không đáng kể. Ngoài kinh tế vườn là dừa và các loại cây ăn trái như: cam, chanh, bưởi da xanh...kết hợp với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: bò, heo, gà, vịt,...thì người dân xứ cồn này cũng tận dụng mặt nước để nuôi  tôm càng xanh trong mương vườn, các loại cá da trơn như: cá tra, cá diêu hồng, cá basa,...để xuất khẩu tăng thêm nguồn thu nhập góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó là thế mạnh làng nghề với nhiều mặt hàng tiểu thủ công nghiệp làm bằng nguyên liệu dừa hoạt động khá tốt như nghề đan giỏ cọng dừa. Nhìn chung kinh tế- xã hội Hưng Phong ngày càng phát triển và có mức tăng trưởng kinh tế khá cao, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, ngành du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của xã.

Để đưa du lịch sinh thái Hưng Phong đi đúng hướng, tạo được sự chuyển biến bước đầu mang lại hiệu quả cao cho dự án, vừa qua ủy ban nhân dân xã (UBND) Hưng Phong đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Giồng Trôm, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre cùng các doanh nghiệp lữ hành tại Bến Tre như: Công ty cổ phần du lịch Bến Tre, Công ty du lịch Phú An Khang, công ty du lịch Nam Bộ đã khảo sát các điểm du lịch nhà vườn tại Hưng Phong và định hướng đầu tư phát triển du lịch tại địa phương.

Đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát điểm nhà vườn ông Tám Thưởng, nhà vườn Tư Bé, nhà vườn Tám Hy,... Qua khảo sát, đoàn đánh giá cao tiềm năng để phát triển du lịch vườn tại các điểm, các nhà vườn đều có vườn dừa đẹp, thông thoáng, môi trường đảm bảo, có không gian sinh thái hấp dẫn, kết hợp đưa khách tham quan làng nghề tại Hưng Phong như: làng nghề đan giỏ cọng dừa và một số cơ sở chế tác các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, du lịch homestay.  Các thành viên trong đoàn khảo sát đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể để các nhà vườn hoàn thiện các dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của khách du lịch theo yêu cầu của phòng Nông nghiệp huyện Giồng Trôm, phòng Kinh tế hạ tầng huyện và các doanh nghiệp lữ hành tại Bến Tre. Qua đó các doanh nghiệp lữ hành sẽ xây dựng chương trình tour du lịch chào bán cho một số doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh để bước đầu đưa khách về du lịch tại Hưng Phong. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân xã Hưng Phong cần sớm triển khai xây dựng cầu tàu để các đơn vị sớm triển khai chương trình tour hoàn chỉnh chào bán cho khách.

Các nhà vườn đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan và cam kết sẽ sớm triển khai trong thời gian nhanh nhất để có thể đón khách về Hưng Phong. Lãnh đạo huyện Giồng Trôm, lãnh đạo xã Hưng Phong và bà con nhân dân đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch và coi đây là một trong những ngành kinh tế quan trọng của xã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Hy vọng, với những quyết tâm cao nhất, sự chung tay đồng thuận, đoàn kết của các cấp, các ngành để du lịch huyện Giồng Trôm nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung được phát triển bền vững./.

Nguồn: sovhttdl.bentre.gov.vn

Cùng chuyên mục