Triển lãm Mỹ thuật về Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến
318 tác phẩm của 318 tác giả tham gia triển lãm đã thể hiện được sức sống mới, với thẩm mỹ cao, có bản sắc riêng của đất Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nhìn lại 60 năm qua, Mỹ thuật Thủ đô có nhiều bước phát triển, từ những ngày đầu chỉ có một số họa sỹ tiêu biểu như Bùi Xuân Phái, Phạm Viết Song, Nguyễn Quang Phòng, Phạm Gia Giang… và nhiều họa sỹ “đàn anh” khác.
Đến nay, đã có trên 500 họa sỹ là hội viên, hoạt động sôi nổi với phong trào sáng tác phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu. Qua đó, khẳng định được phong cách của tác giả cũng như cái riêng của Mỹ thuật Hà Nội, tạo nên một “phong cách hội họa Hà Nội” hào hoa và thanh lịch, thuần khiết và sang trọng.
Mỗi tác phẩm trong triển lãm đều có ngôn ngữ độc đáo, mang dấu ấn riêng của từng tác giả. Các tác phẩm thể hiện nhiều khía cạnh trong đời sống sinh hoạt, phong cảnh tươi đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến; tái hiện được phong tục, tập quán lễ sử đầy tính hoài niệm của một quá khứ hào hùng, đem lại cho người xem không khí lạc quan của thời đại mới.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, họa sỹ Phạm Kim Bình, cho biết triển lãm năm nay đã thể hiện sự tham gia nhiệt tình và đầu tư công sức, tài năng của các họa sỹ Hà Nội đối với nghệ thuật tạo hình của Thủ đô.
318 tác phẩm, gồm các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc đã được các tác giả sáng tác trên các chất liệu phong phú như sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ, tempera, compozit, acrylic và chất liệu tổng hợp.
Ngoài các tác phẩm Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2014, còn có rất nhiều các tác phẩm của các họa sỹ đạt giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô qua các thời kỳ.
Đặc biệt, triển lãm đã trưng bày 22 tác phẩm của các nghệ sỹ tạo hình thành phố Seoul, Hàn Quốc gửi đến chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Bằng tác phẩm của mình, các họa sỹ Hàn Quốc đã biểu lộ tình cảm hữu nghị thân thiết với nhân dân và họa sỹ Thủ đô. Đây chính là nhịp cầu nghệ thuật để họa sỹ hai nước có dịp gặp gỡ, trao đổi, học tập và hiểu biết lẫn nhau.
Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 18/10./.