Tiếp tục nâng cao chất lượng đêm phố cổ và phố đi bộ Hội An
Chương trình “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20” đã được thành phố thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 8/9/1998. Sau 16 năm thực hiện, chương trình đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong nước và quốc tế với hơn 200 đêm phố cổ được tổ chức định kỳ vào 14 âm lịch hàng tháng và hơn 50 đêm phố cổ thu nhỏ. Tại đây, du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: chơi bài chòi, cờ tướng, cờ làng, đập nồi, hò khoan đối đáp, xướng họa thơ đường, nhóm thơ truyền thống, biểu diễn tuồng, võ thuật truyền thống, trình tấu nhạc cổ truyền, dạy hát dân ca, thư pháp, hát nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, chợ đêm, thả đèn trên sông hay âm nhạc đường phố. Đặc biệt, cứ vào mỗi đêm phố cổ, Hội An lại thay đèn điện bằng những chiếc đèn lồng truyền thống đầy màu sắc, tạo không gian mới lạ và gần gũi đối với du khách. Theo thống kê của TP. Hội An, vào thời điểm có chương trình đêm phố cổ, lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tăng 262,7%.
Cùng với chương trình tái hiện đêm phố cổ, dự án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” ra đời năm 2004 đã tạo thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Qua 10 năm triển khai thực hiện, dự án đã qua 7 lần điều chỉnh thời gian hoạt động để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày của người dân và thời điểm tham quan của khách du lịch. Hiện nay, phố đi bộ Hội An hoạt động từ 8h30 đến 11h00 và từ 15h00 đến 21h30 hàng ngày.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đều khẳng định, việc triển khai chương trình đêm phố cổ và phố đi bộ đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Hội An; đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân và du khách, tạo điều kiện cho người dân Hội An tăng thu nhập qua các hoạt động du lịch – dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, lượng khách đến thưởng lãm đêm phố cổ ngày càng tăng trong khi sự hưởng ứng của một số hộ dân có phần giảm sút đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình. Bên cạnh đó, một số hoạt động văn hóa, văn nghệ trong đêm phố cổ chủ yếu được phụ trách bởi các nghệ nhân lớn tuổi ở địa bàn xa, khó khăn trong việc đi lại nên đôi lúc không đảm bảo số lượng người tham gia và thời lượng hoạt động. Nội dung chương trình thiếu đổi mới, còn nặng về tính trình diễn nên chưa thực sự thu hút người xem.
Xuất phát từ thực tế này, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng các chương trình trong đêm phố cổ Hội An như: xây dựng thêm địa điểm gửi xe; kiên quyết không cho xe đạp điện, xe máy điện lưu thông trong khu phố cổ; hệ thống âm thanh, ánh sáng và lồng đèn treo trên các tuyến phố phải phù hợp mỹ quan đô thị; và quan trọng hơn hết là ửng xử văn minh của cư dân phố cổ thông qua các dịch vụ ăn uống, mua sắm.
UBND TP. Hội An cho biết, trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được trong 16 năm qua, thành phố sẽ khắc phục những hạn chế, thiết sót và xem xét mở rộng thêm nhiều chương trình nghệ thuật, không gian mới để sản phẩm “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20” và “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” ngày càng trở thành một thương hiệu độc đáo riêng có của Hội An và để Hội An luôn là điểm đến có dấu ấn riêng, tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Phạm Phương