Khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa dưới nước” ở Quảng Ngãi
Hơn 500 cổ vật được trục vớt từ những con tàu cổ đắm tại vùng biển miền Trung Việt Nam đã được trưng bày, gồm sưu tập đồ gốm, đồ đá Chăm Pa phát hiện ở con tàu đắm tại vùng biển Núi Thành (Quảng Nam); sưu tập đồ gốm Chu Đậu thời Lê thế kỷ 15, sản xuất tại Hải Dương (Việt Nam) được trục vớt tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Các loại bình, đĩa, lọ, cốc, chén, tượng sứ,… đẹp về dáng, sáng về men hoa văn trang trí tinh xảo đã được trưng bày.
Các cổ vật được trưng bày còn có gốm sứ Lục Lê-Việt Nam được tìm thấy tại vùng biển Núi Thành (Quảng Nam); những bộ sưu tập gốm sứ và đồ đồng gồm sưu tập cổ vật gốm sứ thế kỷ 13-14; sưu tập cổ vật gốm, đồ đồng triều Tuyên Đức (1426-1435); sưu tập cổ vật gốm sứ thời Minh thế kỷ 15 được phát hiện và trục vớt tại vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) và Hòn Cau (Bình Thuận); các loại súng thần công, đạn thần công thời Nguyễn thế kỷ 19...
Ngoài ra, đợt trưng bày còn có giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật khai thác từ nguồn Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, nhà sưu tập cổ vật Lâm Dzũ Xênh (huyện Bình Sơn), Công ty Cổ phần Đoàn Ánh Dương.
Đợt trưng bày nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những di vật, cổ vật được tìm thấy ở vùng biển miền Trung Việt Nam và đặc biệt là ở Quảng Ngãi qua các đợt khảo sát, thăm dò, khai quật; từ đó phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa dưới nước của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, đợt trung bày cũng là dịp đông đảo người dân có thể tìm hiểu về các sưu tập cổ vật thuộc di sản văn hóa dưới nước, về tiềm năng và các thế mạnh kinh tế biển, đảo của Việt Nam và của Quảng Ngãi; từ đó có phương thức bảo vệ, khai thác biển phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn di sản dưới nước gắn với phát triển du lịch.
Không gian trưng bày các cổ vật ở dưới nước sẽ mở cửa đến ngày 17/10./.