Hà Giang: “Đánh thức” tiềm năng du lịch bằng chính sản phẩm du lịch
Tuy nhiên, theo đánh giá phần lớn tài nguyên du lịch ở tỉnh vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác hết. Còn hạn chế là thiếu sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với du lịch, các hoạt động văn hóa phục vụ du lịch còn hạn chế, manh mún, chưa được quy hoạch cụ thể; sản phẩm văn hóa gắn với du lịch không đa dạng, chất lượng phục vụ chưa cao, thiếu chuyên nghiệp; nguồn nhân lực du lịch yếu...
Để ngành du lịch phát triển, theo Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Giang Triệu Thị Tình: “Sản phẩm du lịch ở đây là các tour du lịch có sự liên kết của tất cả các sản phẩm. Các sản phẩm du lịch cần được xây dựng trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Nên xây dựng các tour tuyến du lịch gắn liền du lịch tâm linh, hệ thống đền chùa, di sản Quốc gia và bảo vật Quốc gia đã được công nhận. Ngoài ra, có thể xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, địa chất, khám phá mạo hiểm... gắn với việc phát triển Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Tiến hành công tác quảng bá xúc tiến du lịch thông qua hoạt động tổ chức hội chợ, hội nghị, hội thảo. Trên cơ sở đó phát triển các sản phẩm quà tặng lưu niệm, dịch vụ nhà hàng, khách sạn”.
Để xây dựng được các sản phẩm du lịch, hệ thống chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng đầu tư có trọng điểm, dài hạn vào một sản phẩm du lịch thế mạnh của từng huyện. Ví dụ: chỉ nên xây dựng từ 1 – 2 làng văn hóa độc đáo nhất, tránh tình trạng xây dựng nhiều Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày, Mông... ở cùng một địa phương gây chồng chéo. Đầu tư xây dựng các tour cần theo nhu cầu của du khách như đối với khách nước ngoài thích trải nghiệm bản sắc văn hóa địa phương, cày trên nương đá, tối về nghe các làn điệu dân ca dân vũ... Khách bản địa lại tập trung vào các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu; trải nghiệm tham quan dây chuyền sản xuất chè, cùng nông dân hái búp chè tươi, chụp ảnh, thưởng thức chè... Tình trạng manh mún hiện nay đã làm cho du khách cảm thấy nhàm chán, có thể xây dựng mô hình liên hoàn nếu 1 – 2 hộ làm homestay thì các nhà bên cạnh đó sẽ làm nghề thủ công, bán sản phẩm lưu niệm; buổi tối hát các làn điệu dân ca dân vũ địa phương.
Sự vào cuộc của các ngành cũng rất cần thiết để xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh như việc xây dựng các nhà hàng, khách sạn ở những nơi có di sản cũng cần tính toán cho phù hợp với cảnh quan môi trường. Việc xây các đồi vọng cảnh, điểm dừng chân thuận lợi cho du khách trải nghiệm là rất quan trọng. Ngoài ra, cần có cơ chế riêng để xây dựng các HTX làm sản phẩm quà lưu niệm. Bởi đến nay ngoài các sản phẩm đặc sản địa phương như: mật ong, thịt bò khô, thịt lợn treo, gạo đặc sản, chè... thì còn tồn tại một số loại quà lưu niệm được nhập từ các nơi khác về không mang tính đặc trưng. Theo ngành quản lý thì người dân nên chế tác, sản xuất các sản phẩm quà lưu niệm của địa phương như chạm bạc, khèn mông, dệt lanh, dệt thổ cẩm, chạm khắc đá... gắn với địa chỉ cụ thể Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; Núi đôi Quản Bạ; Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Du lịch Hà Giang và cần có mẫu mã, bao bì đẹp, tiện lợi cho du khách. Đây là cần thiết để phân biệt với sản phẩm ở các tỉnh khác trong khu vực có đặc sản tương tự.
Ngoài ra, còn cần tuyên truyền cho người dân cùng làm du lịch, tạo ra môi trường du lịch sạch đẹp, thân thiện, bảo tồn được giá trị của các di tích, danh thắng và phát huy tốt công năng trong phát triển du lịch. Chính sự hài lòng của du khách với các sản phẩm du lịch sẽ là thước đo để đánh giá chất lượng du lịch ở tỉnh.