Tọa đàm “Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám (04/11/1904 - 04/11/2014)”
(TITC) - Ngày 31/10/2014, tại trụ sở Bộ VHTTDL đã diễn ra buổi tọa đàm “Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám – Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa (04/11/1904 - 04/11/2014)”.
Toàn cảnh tọa đàm
Tới dự tọa đàm có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các giáo sư, nhà nghiên cứu, cộng sự của Giáo sư Hoàng Minh Giám qua các thời kỳ, bạn bè thân thiết và gia đình Giáo sư, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 04/11/1904, tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học và khoa bảng, ngay từ những năm còn là sinh viên, Giáo sư đã tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng, các hoạt động chống thực dân Pháp. Cách mạng Tháng Tám thành công, Giáo sư đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn và giao phó các trọng trách quan trọng để xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ thời kỳ mới thành lập.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Giáo sư đã đảm đương nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó: Từ năm 1945-1946, Giáo sư làm Đổng lý Văn phòng, sau đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện nay); Từ năm 1946-1954, Giáo sư giữ chức Thứ trưởng, sau được bổ nhiệm lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Từ năm 1954-1976 Giáo sư là Bộ trưởng Bộ Văn hóa; Từ 1976-1981 Giáo sư là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam khóa VI; Từ năm 1981 đến cuối đời, Giáo sư tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, Giáo sư còn tích cực tham gia nhiều hoạt động giáo dục, xã hội và đoàn thể khác. Ở cương vị nào, lĩnh vực nào Giáo sư cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, truy tặng Huân chương Đại đoàn kết.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã có bài viết, tham luận nói về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Minh Giám. Các bài tham luận của đại biểu đều khẳng định Giáo sư là một trí thức yêu nước chân chính, có học thức uyên bác, sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, một lòng đi theo cách mạng... Đặc biệt, Giáo sư Hoàng Minh Giám cũng chính là người đặt nền móng trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Kế tục sự nghiệp của Giáo sư để lại, trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn thách thức và đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng ta vừa mới ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong bối cảnh đó, học tập và làm theo tấm gương các thế hệ đi trước, trau dồi nhân cách, đạo đức và lý tưởng sống là vô cùng cần thiết giúp cho các thế hệ sau nỗ lực phấn đấu để phục vụ tốt hơn cho ngành, phục vụ tốt hơn cho đất nước, phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình Giáo sư Hoàng Minh Giám
Thay mặt gia đình, ông Hoàng Vĩnh Giang, con trai Giáo sư Hoàng Minh Giám bày tỏ sự cảm ơn chân thành của người thân trong gia đình, của gia tộc họ Hoàng đến các Bộ, Ngành, Trung ương đã quan tâm tổ chức tọa đàm kỷ niệm ngày sinh của thân phụ ông.
Hương Lê
Nguồn: TITC