Thanh Hóa phấn đấu trở thành trọng điểm phát triển du lịch
Tiềm năng đa dạng
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 2 giờ đi ô tô và cách TP. Hồ Chí Minh 1 giờ 40 phút đi máy bay, Thanh Hóa lại có địa hình trải rộng trên cả 3 vùng (miền núi – trung du, đồng bằng, ven biển), là vùng đất hội tụ đủ điều kiện để huy động các nguồn lực thỏa mãn nhu cầu phát triển ngành kinh tế du lịch của tỉnh trở thành trọng điểm du lịch quốc gia.
Thanh Hóa có đường bờ biển dài, tương đối bằng phẳng, những dãy núi dọc bờ biển tạo nên các vũng như: vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện xen kẽ là các cửa lạch như: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép đã và đang trở thành những cụm phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng ở Thanh Hóa.
Biển đã đem lại cho Thanh Hóa những điểm nghỉ mát nổi tiếng với bãi cát trắng mịn, bờ thoải và rừng phi lao xanh mát như: Sầm Sơn, Quảng Vinh (huyện Quảng Xương); Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia)…Ngoài khơi vùng biển còn có một số đảo nhỏ, không xa bờ đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên như: Hòn Mê, Hòn Nẹ, Đảo Nghi Sơn… Bên cạnh vẻ đẹp của biển, Thanh Hóa còn được thiên nhiên ưu đãi cho phát triển loại hình du lịch tham quan hang động, du lịch mạo hiểm bởi nơi đây có những hang động karster rất đẹp. Đặc biệt, Thanh Hóa còn có vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), cách Thành phố Thanh Hóa 36 km về phía Tây Nam, có diện tích rừng tự nhiên là 16.634 ha, trong đó, diện tích rừng nguyên sinh là 8.544 ha, được xếp vào một trong 10 vườn quốc gia bảo tồn thiên nhiên quý hiếm của Việt Nam. Rừng quốc gia Bến En có hệ động thực vật phong phú, bao gồm 462 loài thực vật, 246 loài động vật và hàng trăm loài côn trùng khác. Ngòai ra khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông (thuộc huyện Quan Hóa, Bá Thước) có diện tích 16.700 ha, với 92% là diện tích tự nhiên, có 1109 loài thực vật, 598 loài động vật… hứa hẹn sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn.
Không chỉ có nguồn tài nguyên tự nhiên, Thanh Hóa còn có tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, nơi đây lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú không những có giá trị đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại. Hiện nay, Thanh Hóa có 1535 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 768 di tích đã được xếp hạng, đặc biệt có những cụm di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về nghệ thuật, kiến trúc như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn… và độc đáo hơn cả là di tích lịch sử Thành Nhà Hồ với những giá trị mang tính đặc trưng, nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra Thanh Hóa còn có hệ thống văn hóa phi vật thể rất đa dạng và đặc sắc mang sắc thái riêng. Với 160 lễ hội truyền thống liên quan tới di tích lịch sử, danh thắng được nhà nước công nhận, 50 lễ hội liên quan tới tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đặc trưng riêng biệt. Các giá trị văn hóa còn thể hiện qua những trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ. Bên cạnh đó, là hệ thống các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: nghề chạm khắc đá ở làng An Hoạch, nghề rèn Tất Tác, nghề dệt gai của người Thổ…
Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, Thanh Hóa có khả năng khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch lễ hội, du lịch thể thao và mạo hiểm, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo…
Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2010 và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều đã được quy hoạch. Tính đến năm 2014, toàn tỉnh đã thực hiện 25 quy hoạch, trong đó có 8 quy hoạch chung và 17 quy hoạch cụ thể. Trên cơ sở quy hoạch, cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm đã được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Tính tới thời điểm này, toàn tỉnh có 66 dự án đăng ký đầu tư kinh doanh khu, điểm du lịch với tổng vốn đăng ký 23.280 tỷ đồng, trong đó hiện có 30 dự án được cấp phép và đã triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, tập trung vào các Khu du lịch sinh thái biển như: Hải Hòa, Hải Tiến, Nam Sầm Sơn…
Với tiềm năng du lịch đa dạng, Thanh Hóa đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tính đến tháng 10/2014, toàn tỉnh đã có 672 cơ sở lưu trú với 14.000 phòng, trong đó có 85 cơ sở được xếp hạng khách sạn từ 1-4 sao, 351 cơ sở xếp hạng nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện cũng đang được Thanh Hóa chú trọng nâng cao nên cũng đã từng bước được cải thiện. Năm 2014, Thanh Hóa có khoảng 16.000 lao động trong ngành du lịch với 72% lao động được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ trong đó số lao động trình độ đại học chiếm 16%.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng được quan tâm triển khai. Trong 5 năm gần đây đã có trên 200 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí đầu tư trên 400 tỷ đồng.
Ông Vương Văn Việt cho biết, Thanh Hóa đang phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định Thanh Hóa là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Năm 2013, Thanh Hóa đón 4,1 triệu lượt khách tới tham quan (trong khi năm 2001 mới là 482.387 lượt). Dự kiến năm 2014 nơi đây sẽ đón khoảng 4,5 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch trong năm 2013 là 2,.251 tỷ đồng (trong khi năm 2001 là 101,5 tỷ đồng). Năm 2014, Thanh Hóa ước đạt 2.500 tỷ đồng. Tỷ trọng GDP du lịch trong GDP của cả tỉnh tăng từ 1,3% (năm 2001) lên 4,1% năm 2013 và ước đạt 4,3% vào năm nay.
Với đà phát triển này, Thanh Hóa đang đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Năm 2030, GDP du lịch đạt 720 triệu đô la Mỹ, địa phương sẽ đón và phục vụ cho 500-650 nghìn lượt khách quốc tế và 16-17 triệu lượt khách nội địa.
Việc phát triển du lịch không chỉ đem lại nguồn lợi về kinh tế mà còn nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo. Năm 2015 cần có tổng 67.200 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó 37.500 lao động trực tiếp). Năm 2025 cần 149.400 lao động (trong đó 49.800 lao động trực tiếp). Việc phát triển du lịch cũng góp phần bảo tồn và khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực xã hội, ông Vương Văn Việt cho biết.
Năm 2015, Thanh Hóa được chọn là nơi tổ chức Năm Du lịch Quốc gia. Với lợi thế này, hi vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực để du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển và đạt được mục tiêu mà địa phương đã đề ra./