Nhìn nhận về sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam
Du lịch đang ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch là những vấn đề nhận được nhiều sự chú ý và thảo luận rộng rãi. Một cách tiếp cận đa chiều về đánh giá chất lượng du lịch sẽ góp phần hình thành các giải pháp đúng đắn nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ khách quay trở lại cho thấy tính cạnh tranh của du lịch. Tuy nhiên, do du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nên tính cạnh tranh của du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dưới góc độ kinh tế du lịch, tỷ lệ khách quay trở lại không phải là chỉ tiêu nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách phát triển ngành. Hiệu quả của ngành Du lịch thường được đánh giá qua các chỉ số chính như: tốc độ tăng trưởng khách, độ dài lưu trú bình quân của khách, chi tiêu bình quân của khách, đóng góp của du lịch vào cơ cấu GDP.
Nhìn từ kinh nghiệm bên ngoài, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các chỉ số cơ bản đo lường tính cạnh tranh của ngành du lịch một quốc gia gồm có: đóng góp của du lịch vào GDP, thu nhập từ khách du lịch inbound theo từng thị trường, thời gian lưu trú qua đêm, giá trị xuất khẩu dịch vụ du lịch, năng suất lao động, sức mua và giá cả dịch vụ du lịch, thủ tục thị thực nhập cảnh, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, tài nguyên văn hóa, mức độ thỏa mãn của du khách, và chương trình hành động của ngành Du lịch. Ngoài ra còn có một số chỉ số phụ như: mức độ đa dạng hóa thị trường, nguồn nhân lực, mức độ kết nối hàng không và các phương tiện khác, phân bổ ngân sách chính phủ dành cho ngành Du lịch, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch... Tham khảo những chỉ số này có thể thấy tỷ lệ khách quay trở lại không nằm trong các tiêu chí đánh giá tính cạnh tranh của ngành du lịch.
Mặt khác, về bản chất hoạt động du lịch là sự khám phá, trải nghiệm. Nhìn chung, khách du lịch luôn muốn đi đến những vùng đất mới lạ, tìm hiểu những nền văn hóa độc đáo, trải nghiệm những lối sống khác nhau. Đối với khách du lịch ở nhiều nền kinh tế phát triển, du lịch là một phần thiết yếu trong cuộc sống bên cạnh quá trình lao động, làm việc. Họ có điều kiện dành thời gian và nguồn tài chính để thực hiện nhiều chuyến du lịch trong đời và coi đây là cơ hội vừa để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa để khám phá những nền văn hóa mới và bồi đắp kiến thức cho mình. Việc lựa chọn một điểm đến cũ có thể sẽ không phải là ưu tiên của họ nếu không có một nhu cầu đặc biệt nào đó hoặc sự cảm mến, gắn kết đặc biệt.
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu và khách đến từ hai lần trở lên lần lượt là 72% và 28% (năm 2003); 65,3% và 24,7% (năm 2005), 56,3% và 43,7% (năm 2006); 60,4% và 39,6% (năm 2009); 61,1% và 38,9% (năm 2011); 66,1% và 33,9% (năm 2013). Có thể thấy tỷ lệ này không biến động lớn qua các năm và duy trì ở mức độ khá hài hòa.
Xét về tổng thể, điều quan trọng là các chỉ số về lượng khách và tổng thu của Du lịch Việt Nam đạt tăng trưởng tốt qua các năm. Nếu năm 2000, chúng ta mới đón được 2,1 triệu lượt khách quốc tế thì năm 2005 đón được 3,4 triệu lượt, năm 2010 đón được 5 triệu lượt và năm 2013 vừa qua là 7,5 triệu lượt. Đồng thời, lượng khách du lịch nội địa cũng ngày càng tăng: năm 2000 là 11,2 triệu lượt, 2005 là 16,1 triệu lượt, năm 2010 là 28 triệu lượt và năm 2013 là 35 triệu lượt. Đặc biệt, tổng thu từ du lịch những năm gần đây có sự tăng trưởng vượt bậc khi năm 2013 đạt tới 200 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2010 mới đạt 96 nghìn tỷ, năm 2005 đạt 30 nghìn tỷ và năm 2000 chỉ đạt 17,4 nghìn tỷ. Tốc độ tăng trưởng của tổng thu từ khách du lịch đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng khách du lịch, đóng góp của ngành Du lịch vào cơ cấu GDP đất nước ngày càng lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.
Ngành Du lịch cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết an sinh xã hội. Đến năm 2013, ước tính đã có trên 1,7 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó 550 nghìn lao động trực tiếp và 1,2 triệu lao động gián tiếp.
Cùng với đó, hình ảnh du lịch quốc gia ngày càng được nâng cao. Hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày càng phong phú. Nhiều điểm du lịch được các tổ chức uy tín bình chọn là địa chỉ yêu thích của đông đảo du khách quốc tế. Trong đó, điển hình như Vịnh Hạ Long được trang web BuzzFeed của Mỹ bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới; Hà Nội được TripAdvisor bình chọn là 1 trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới năm 2014; Việt Nam được Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch lẻ; Hang Sơn Đoòng được Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới và Tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Nga bình chọn là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới của năm 2014; Tuyến du lịch trên sông Mê Kông (đoạn Việt Nam-Campuchia) được báo Telegraph (Anh) xếp thứ 4/5 tuyến du lịch trên sông hàng đầu châu Á... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam cũng đã được các tổ chức, website tiêu dùng vinh danh do chất lượng dịch vụ xuất sắc của mình.
Điều này cho thấy chất lượng du lịch Việt Nam đang dần tốt lên, đi vào chiều sâu thay vì chiều rộng theo đúng định hướng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh”.
Nâng cao chất lượng du lịch để thu hút khách, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch nước ta. Một điều tất nhiên, trong quá trình phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội đất nước nói chung, sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết. Mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng là nguồn gốc và động lực của quá trình vận động, phát triển.
Sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, sự năng động tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, sự đồng cảm và tham gia của cộng đồng dân cư, du khách và sự quan tâm khích lệ của các cơ quan thông tin truyền thông – một kênh quan trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch đất nước cũng như phát hiện những bất cập cần khắc phục để du lịch Việt Nam trở thành một thương hiệu được mỗi người chúng ta cũng như bạn bè quốc tế ngày càng quý mến./.
T.P