Hành trình khám phá miền Tây Bắc
Tây Bắc mang vẻ đẹp hoang sơ, tinh khôi của núi rừng. Không khí Tây Bắc mùa thu thật mát mẻ, bầu trời thoáng đãng, mây trắng bồng bềnh trên đỉnh núi, sà xuống lưng chừng đồi như quấn lấy khách lãng du.
Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) là điểm du lịch du khách không nên bỏ qua khi đến Tây Bắc. Mù Cang Chải hấp dẫn du khách bởi những thửa ruộng bậc thang - nơi đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là danh thắng cấp quốc gia. Mùa thu Mù Cang Chải (khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10) có lúa vàng chín rộ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như những dải lụa vàng óng quấn quanh triền núi hoặc xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi, thấp thoáng trong mây trắng phủ mờ. Mù Cang Chải còn hấp dẫn du khách bởi những vườn chè xanh mướt, ngút ngàn.
Tây Bắc còn khiến du khách khó quên bởi những con đường dốc, quanh co, một bên là sườn núi, bên kia là vực sâu và những con đèo nổi tiếng như: Pha Đin, Khau Phạ, Ô Quy Hồ... Ô Quy Hồ là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất phía bắc. Đèo nằm cắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn, nối hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với độ dài 50km, ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển. Độ cao, sự hiểm trở của đèo Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Đến Tây Bắc, ngoài ngắm cảnh thiên nhiên, việc khám phá ẩm thực, văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người sẽ làm cho chuyến du lịch ý nghĩa và trọn vẹn hơn. Anh Lò Văn Hòa (ngụ tại bản Thái, thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết, người Tây Bắc rất thích ăn món nướng hoặc gác bếp. Họ thường kết hợp những loại gia vị của rừng ướp vào thịt, cá để khi nướng lên tạo ra mùi thơm và hương vị độc đáo. Các món pa pỉnh tộp (cá nướng gập), gà nướng, thịt băm nướng lá chuối, heo gác bếp… thường sử dụng hạt mắc khén, lá thì là và muối, ớt làm gia vị tạo nên mùi thơm lừng, đặc trưng. Trong tiết trời se lạnh của mùa thu, ngồi trên nhà sàn thưởng thức món nướng, xôi nếp và nhấp chén rượu, nghe chủ nhà kể những câu chuyện về núi rừng Tây Bắc là điều thật tuyệt vời.
Các bản làng ở Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Mai Châu (Hòa Bình)… đều có khu nhà sàn với các dịch vụ: nghỉ ngơi, ăn uống, biểu diễn văn nghệ (theo yêu cầu)… phục vụ khách. Vào buổi tối, khách thường ghé các bản dân tộc ít người để khám phá cuộc sống sinh hoạt và văn hóa của người bản địa. Sau những chén rượu vơi đầy bên mâm cơm ấm cúng, du khách được hòa mình với những bản nhạc, điệu múa đặc trưng của vùng Tây Bắc. Những cô gái dân tộc Thái tuổi đôi mươi với váy, áo sặc sỡ, hiếu khách… e ấp kéo tay mời khách chung vui với điệu múa xòe, nhảy sạp.
Chị Lò Thị Bang, chủ nhà hàng ẩm thực Tai Đam (bản Lé, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết, nhà hàng Tai Đam có đội văn nghệ riêng, là các con em trong bản tập hợp lại để phục vụ khách. Biểu diễn văn nghệ ở đây không cầu kỳ, sân khấu là một khoảng sân phía sau nhà hàng, “diễn viên”, “ca sĩ” là người bản địa, với những lời ca, điệu múa đặc trưng của núi rừng… nhưng luôn làm say lòng du khách. Đó cũng là cách làm du lịch mang tính cộng đồng đặc trưng của Tây Bắc./.