Văn miếu Xích Đằng - niềm tự hào của người Hưng Yên
Tọa lạc tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, Văn miếu Xích Đằng là điểm quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến. Xây dựng từ cuối thời Lê - thế kỷ 17 (khoảng năm 1701) và trải qua đợt trùng tu lớn vào năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20), Văn miếu Xích Đằng nay vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ.
Khuôn viên Văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dải vũ, khu chính và khu tháp thờ. Tam quan Văn miếu xây dựng theo kiến trúc "chồng diêm hai tầng tám mái”. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên.
Hai bên sân là lầu chuông và lầu khánh. Trong đó, lầu chuông treo quả chuông bằng đồng đúc năm 1804 còn lầu khánh mắc một chiếc khánh đá, dựng năm 1803. Phần tiếp theo là hai dải vũ, xây theo kiến trúc 5 gian, xưa kia là nơi các quan để cỗ kiệu, sửa soạn mũ áo trước khi vào lễ Khổng Tử. Ngày nay, nơi này trưng bày những hình ảnh về giáo dục và du lịch tỉnh.
Theo bài văn khắc trên chuông, từ năm 1804, Hưng Yên đã có văn miếu nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), Văn miếu Xích Đằng mới xây dựng lại với quy mô to đẹp, bề thế như ngày nay.
Tòa chính được xây theo kiến trúc kiểu chữ Tam, gồm ba tòa tiền tế, trung từ và hậu cung. Bên trong tòa chính là nơi thờ Khổng Tử, nhà giáo Chu Văn An, các vị thánh hiền nho giáo và dựng 9 tấm bia ghi danh các vị học sĩ đỗ đạt cao.
Những tấm bia đá dựng hai bên tòa chính nằm trong số các hiện vật quý giá nhất Văn miếu Xích Đằng còn giữ lại. Hơn 200 vị khoa bảng được vinh danh trên bia đá. Người có học vị cao nhất là các trạng nguyên Tống Trân (thôn An Cầu, huyện Phù Cừ,) đời Trần hay Nguyễn Kỳ (huyện Đông An), triều Mạc. Còn người có chức vụ cao nhất là Lê Như Hổ, quận công triều Mạc.
Bên cạnh thờ Khổng Tử, Văn miếu Xích Đằng còn thờ Chu Văn An - một thầy giáo ở thời Trần, đồng thời là người được lịch sử tôn vinh "ông tổ đạo Nho". Hai bức tượng đồng lấy mẫu tượng từ Văn miếu Quốc Tử Giám và cung tiến năm 2003.
Văn miếu xưa có hai mùa lễ hội. Trọng hội là ngày 10/2 và 10/8. Cứ vào các ngày trọng hội, những vị nho học và quan đầu tỉnh phải đến Văn miếu tế lễ để thể hiện nề nếp nho phong, tôn sư trọng đạo làm gương cho con cháu, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ. Ngày nay, hàng năm, vào dịp mùng 4-5 Tết, Văn miếu lại tổ chức lễ hội với các hoạt động như hát ca trù, cho chữ đầu xuân./.