Non nước Việt Nam

Khám phá nét hấp dẫn của ẩm thực Hà Giang

Cập nhật: 12/12/2014 15:08:48
Số lần đọc: 1904
Những sản phẩm từ thiên nhiên qua bàn tay của đồng bào dân tộc vùng cao, trở thành những món ăn không thể thiếu trong đời sống của họ và đã trở thành điểm hấp dẫn những ai đến với mảnh đất này.

Thắng cố:
Nếu người miền xuôi tự hào vì có phở thì người miền núi cũng tự hào vì có Thắng cố. Thời tiết càng lạnh thì thắng cố càng ngon. Thắng cố được chế biến từ nguyên liệu tổng hợp của ngựa gồm đầu, chân, các loại thịt, nội tạng, cùng các gia vị đặc trưng. Thắng cố thường được ăn cùng với mèn mén, bánh ngô nướng…

 

 

Cháo Ẩu Tấu:

Bát cháo ấu tẩu ban đầu chỉ được biết đến như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc Mông. Sau này, người dân Hà Giang thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo “đặc sản”, ăn ngon miệng lạ lùng.

Bản chất ẩu tấu rất độc, muốn giảm bớt độc tính phải có bí quyết. Qua một số công đoạn công phu, mới có được bát cháo ấu tẩu hoàn hảo. Theo kinh nghiệm dân gian, cháo ấu tẩu có tác dụng giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương, xua tan mệt mỏi của người đi đường xa. Còn nếu ăn với lá tía tô, cháo có tác dụng giải cảm rất tốt.

Hồng không hạt:

 

 

Hồng không hạt, được trồng tập trung tại các xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Thanh Vân và thị trấn Tam Sơn… Cây ra hoa từ tháng 3, kết quả tháng 4, có thể cho thu hoạch rải rác từ tháng 8 đến tháng 11. Lúc mới hái, hồng ở đây to bằng quả trứng gà, vỏ xanh chen lẫn những ánh vàng. Nhưng sau khi ngâm trong nước được lấy từ suối vài hôm, quả ăn giòn, ngọt đậm, nhiều bột mịn và thơm hơn các giống hồng khác. Vỏ quả cứng, thịt quả chắc nên dễ bảo quản và vận chuyển đi xa.

 

Mật ong bạc hà:

Là loại mật ong đặc biệt chỉ có ở vùng Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hơi thoang thoảng mùi bạc hà, vị ngọt thanh, dịu nhẹ hơn hẳn so với các loại mật ong khác.

 

 

 

Theo kinh nghiệm của người dân vùng cao, mật ong còn có tác dụng chữa bệnh béo phì, hồi hộp, ho khan và viêm thanh quản. Mật ong bạc hà còn là một thứ thuốc sát trùng, chữa bỏng rất hiệu quả. Đặc biệt là mật ong bạc hà vùng cao còn dùng để làm mờ các nếp nhăn, làm mềm da, làm cho da dẻ hồng hào.

 

Thịt bò khô:

 

 

 

Có thể nói thịt bò khô là một đặc sản quý của miền Cao nguyên đá Đồng Văn. Đầu tiên, người ta chọn loại thịt bò tươi, ngon mà tốt nhất là thịt bắp bò. Thái thịt theo thớ dọc rồi ướp gia vị gồm muối, tỏi, ớt, rượu… Đợi cho gia vị thấm vào từng thớ thịt, lấy que tre xiên và mang thịt đi hong khói hoặc sấy khô bằng than củi. Cách làm này là để có thịt ăn ngay. Còn với đồng bào các dân tộc nơi đây, họ thường treo thịt lên gác bếp để khói hun thịt một cách tự nhiên.

 

Lạp xưởng:

Đến vùng cao Hà Giang, ngoài việc thưởng thức những món ăn đặc trưng như mèn mén, thắng cố, du khách cũng đừng bỏ quên món lạp xường treo gác bếp của đồng bào dân tộc nơi đây. Có thể nói, lạp xường treo gác bếp là một trong những món ăn truyền thống đặc sản.

 

 

 

Món lạp xường này có thể ăn được nhiều mà không sợ chán. Nếu đến Hà Giang, du khách hãy thử một lần thưởng thức để biết hương vị.

 

Xôi ngũ sắc:

Trong các dịp lễ tết, hội hè..., xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng, không thể thiếu của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, đặc biệt là đồng bào Tày. Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. Những hạt xôi thơm dẻo được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng. Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn, 5 màu chính của xôi là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Những loại lá và củ cây này đều dễ tìm trong rừng, hoặc trong vườn nhà.

 

Xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, đen là màu của thuỷ, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Người ta quan niệm rằng, sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên - Địa - Nhân. Người xưa quan niệm ngày lễ, tết được ăn xôi năm màu sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành.

 

Chè shan tuyết:

Hà Giang là một trong những tỉnh có vùng chè Shan lâu đời nhất cả nước. Đó là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Vì vậy, người ta còn gọi là chè Shan tuyết.

 

 

 

Chè Shan tuyết thơm ngon nổi tiếng giúp giải nhiệt, tiêu hoá, giảm mỡ trong máu, phòng chống ung thư và loại bỏ được một số các chất độc nhẹ, giúp kéo dài tuổi thọ …

 

Cơm lam Bắc Mê:

Cơm lam Bắc Mê được chế biến không cầu kỳ. Người ta dùng ống tre, nứa cho gạo nếp nương đã đãi kỹ và xóc với chút muối vào. Đổ nước vào ống tre cho vừa với lượng gạo, dùng lá chuối dong hoặc lá chuối tươi nút đầu ống còn lại. Cho ống trên lên bếp than hồng nướng. Trong quá trình nướng, người ta xoay tròn ống tre cho cơm bên trong chín đều.

 

 

 

Khi dùng cơm lam với muối vừng, thịt nướng hay cá suối nướng. Lúc ấy sẽ thấy cơm lam Bắc Mê bùi hơn, ngon hơn.

 

Thảo quả:

 

 

 

Thời điểm tháng 9 - 10 hàng năm, là mùa thu hoạch thảo quả. Là loại quả rất thơm, gia vị của nhiều món ăn hấp dẫn du khách.

Cam Sành:

Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Hà Giang, thứ đến mới là chè. Đây cũng là loại cam tiến vua ngày xưa.

Cam thường cho hoa từ tháng 1, 2 âm lịch và cho thu hoạch từ tháng 11, 12 âm lịch đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

 

Mèn mén:

Mèn mén được làm từ hạt ngô tẻ, để có được món mèn mén các gia đình người Mông thường phải đồ mèn mén từ sáng sớm để ăn cả ngày. Việc làm mèn mén đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện.

Đối với người Mông ở vùng cao phía Bắc Hà Giang, trong những ngày lễ tết hoặc cưới hỏi, ma chay... thì vẫn không thể thiếu món mèn mén.

Nguồn: www.hagiangtrade.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT