Đà Nẵng: Khởi động 2 tuyến phố chuyên doanh
Cả 2 phố chuyên doanh trên được hình thành trên cơ sở loại hình kinh doanh đặc trưng của các hộ kinh doanh tại đây. Và cả 2 tuyến đường này đều nằm trên địa bàn quản lý của quận Hải Châu. Do đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo và giao UBND quận Hải Châu phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện 2 phố chuyên doanh này.
Theo đó, trên tuyến đường Lê Duẩn (phố chuyên doanh thời trang), UBND thành phố Đà Nẵng và quận Hải Châu quyết định xây dựng công trình “Tổ chức khu phố chuyên doanh đường Lê Duẩn” đoạn từ giao lộ với đường Ông Ích Khiêm đến đường Trần Phú (dài 1,1km), có tổng kinh phí đầu tư gần 26 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố, quận Hải Châu và xã hội hóa.
Quyết định trên sẽ thay thế bó vỉa hè hiện trạng bằng bó vỉa hè bê-tông xi-măng có chiều cao chỉ còn 15cm, dạng vát, để thuận lợi cho việc đi lại. Bề rộng vỉa hè vẫn như hiện trạng nhưng tháo dỡ toàn bộ gạch block hiện hữu và thay thế bằng gạch terrazzo có tính thẩm mỹ cao. Phần vỉa hè dành cho người đi bộ được bố trí trong phạm vi 2m sát với nhà dân, cửa hàng; phần vỉa hè dành cho việc đỗ xe máy được bố trí sát bó vỉa mặt đường. Cây xanh được thay bằng cây bàng Đài Loan có đường kính thân từ 10 - 15cm. Hố trồng cây được lắp đặt lưới bảo vệ bằng vật liệu composite-FRP có tính thẩm mỹ cao, an toàn và thuận tiện cho người đi bộ. Hệ thống điện chiếu sáng hiện trạng được tháo dỡ, thay thế bằng trụ có tính thẩm mỹ và có 2 đèn led chiếu sáng phần đường dành cho khách bộ hành trên vỉa hè và mặt đường giao thông. Các tiện ích công cộng trên vỉa hè như: ghế ngồi nghỉ, biển chỉ dẫn, thùng rác công cộng, hệ thống đèn trang trí… được bố trí phù hợp, phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách và người dân. Cải tạo kiến trúc mặt tiền tầng 1, đồng bộ về chiều cao, màu sắc biển hiệu quảng cáo... Hiện nay, tất cả các hạng mục của công trình đã cơ bản hoàn thành, đang tiến hành tháo dỡ các bó cáp thông tin, trụ viễn thông và thực hiện dọn dẹp vệ sinh vỉa hè. Nhiều cơ sở kinh doanh đã và đang tiến hành ốp aluminium mặt tiền cửa hiệu.
Theo khảo sát của UBND quận Hải Châu, trên đường Lê Duẩn đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến đường Trần Phú, có gần 100 hộ kinh doanh thời trang (quần áo, túi xách, giày dép…), 90 hộ kinh doanh các mặt hàng khác như: điện thoại, ẩm thực, lưu niệm… và 20 hộ không kinh doanh. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều thống nhất, ủng hộ chủ trương xây dựng khu phố chuyên doanh đường Lê Duẩn của thành phố và tham gia đóng góp ý kiến thiết thực cho quá trình triển khai xây dựng.
Bà Đỗ Thị Diệu Hoa (trú tại số nhà 104 đường Lê Duẩn) cho biết: “Tôi đã đi nhiều nước, thấy rằng mô hình xây dựng phố chuyên doanh làm cho phố xá khang trang đẹp đẽ, việc buôn bán náo nhiệt, sầm uất hơn. Người dân chúng tôi rất mừng vì lãnh đạo quận đã vươn tầm trong tư duy lẫn hành động. Vì thế, bên cạnh việc ủng hộ, chấp hành và thực hiện tốt chủ trương chung, các hộ kinh doanh còn cổ vũ, động viên cho những tâm huyết và nỗ lực của các cán bộ, nhân viên các ngành, chính quyền địa phương”.
Trong khi đó, trên đường Huỳnh Thúc Kháng, theo UBND quận Hải Châu, hiện có 40 hộ kinh doanh ẩm thực, đa số là kinh doanh điểm tâm. Khi quận có chủ trương xây dựng phố điểm tâm (sau này phát triển lên sẽ là Phố ẩm thực, kinh doanh cả ngày lẫn đêm) thì có thêm 5 hộ khác đến đầu tư kinh doanh điểm tâm. Số lượng món ăn khá phong phú như: mỳ Quảng, bánh xèo, bánh tráng cuốn thịt heo, phở, bún, bánh bèo, bánh canh, cao lầu, bò né, cháo lòng, cháo trắng – cá cơm kho, cà phê, giải khát…
Hầu hết các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường đã được tập huấn và nhận tập tài liệu về “Văn minh thương mại trong kinh doanh ăn uống”, qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch; tiến hành sơn mặt tiền cơ sở kinh doanh; trang bị các xe, tủ, ghế, mặt bàn bằng inox và phối hợp với đơn vị tài trợ lắp đặt các bảng niêm yết giá, bảng quảng cáo, bạt quay...
Ông Phạm Nhân Cơ, chủ quán bò kho - ốp la ở số 144 Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Về món ăn sáng trên tuyến đường này thì có bất cứ món gì và đủ loại giá cả, vì thế, chủ trương xây dựng phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng là đúng đắn và đời sống người dân sẽ khấm khá hơn từ việc kinh doanh điểm tâm. Người dân ở đây chủ yếu là buôn bán thức ăn đường phố, rất vui mừng vì được tập huấn, hướng dẫn và thực hiện văn minh thương mại, nâng cao chất lượng món ăn và được hỗ trợ tiền bạc, các thiết bị, dụng cụ. Ngoài ra, chính quyền và các ngành chức năng còn quảng bá, kết nối để đưa du khách đến phố điểm tâm. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, tuyến đường này sẽ phát triển thành phố ẩm thực nổi tiếng của thành phố”. Gia đình ông Phạm Nhân Cơ được hỗ trợ vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi và bỏ thêm vốn mua sắm 50 ghế inox, thay thế mặt bàn bằng inox, đóng mới 1 tủ đựng thức ăn cho sạch và hợp vệ sinh theo chủ trương vận động của chính quyền địa phương.
Ông Đặng Việt Dũng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cho biết: Việc xây dựng phố chuyên doanh đường Lê Duẩn để buôn bán hàng thời trang và phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng để kinh doanh điểm tâm là công việc đa mục đích: vừa góp phần phát triển kinh tế, giải quyết an sinh xã hội vừa giải quyết được vấn đề trật tự đô thị. Đối với phát triển kinh tế, từng bước xây dựng thương hiệu kinh doanh cho từng tuyến phố, xây dựng văn hóa bán hàng, văn minh thương mại. Đối với vấn đề trật tự đô thị sẽ cải tạo lại hạ tầng, bố trí sắp xếp việc buôn bán vào nề nếp, quản lý trật tự đô thị tốt hơn...
Cũng theo ông Dũng, cơ sở để hình thành nên 2 phố chuyên doanh này là dựa trên loại hình kinh doanh đặc trưng, bước đầu có những nét có thể hình thành nên một thương hiệu. Dựa trên nghành nghề kinh doanh của dân, trên cơ sở kế hoạch của thành phố, với giải pháp xây dựng phố chuyên doanh sẽ tạo nên đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế và hạ tầng, văn minh đô thị. Khi đã tạo được thương hiệu rồi sẽ thu hút nhiều khách nội thành, địa chỉ tham quan, mua sắm, trải nghiệm của khách du lịch ở trong và ngoài nước.
Theo quan điểm của quận, yêu cầu đối với các hộ kinh doanh tại tuyến phố chuyên doanh này là phải thực hiện việc kinh doanh bằng việc lấy chữ tín làm đầu, chất lượng sản phẩm phải tốt, đẹp, bán hàng đúng giá niêm yết và phục vụ, chăm sóc khách hàng chu đáo. Các lực lượng chức năng của Quận sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả, nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đồng thời, Quận cũng sẽ tăng cường công tác quảng bá các phố chuyên doanh, kết nối các đơn vị lữ hành và Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch thành phố để đưa khách du lịch đến mua sắm.
Để triển khai thực hiện 2 phố chuyên doanh kể trên, theo ông Dũng, bên cạnh nguồn vốn đầu tư xây dựng, trang bị những hạng mục về hạ tầng, vỉa hè, tiện ích công cộng sử dụng hoàn toàn hoặc một phần từ ngân sách, phần còn lại là xã hội hóa. Người dân đầu tư kinh phí mua sắm bàn, ghế, tủ, trang trí cửa hàng, cửa hiệu… và kêu gọi các nhà tài trợ trang bị các thiết bị, vật dụng thiết yếu khác. Cụ thể, các hộ kinh doanh trên đường Lê Duẩn tự đầu tư kinh phí thực hiện ốp aluminium trước cửa hiệu sao cho đồng bộ trên toàn tuyến và mua thêm máy tính tiền, tủ, kệ trưng bày hàng hóa. Các hộ kinh doanh trên đường Huỳnh Thúc Kháng đầu tư tủ, ghế, mặt bàn bằng inox. Còn doanh nghiệp tài trợ mũ, găng tay, tạp dề, mái che, diềm quảng cáo và bảng niêm yết giá…
“Chủ trương xây dựng phố chuyên doanh về hàng thời trang ở đường Lê Duẩn và điểm tâm ở đường Huỳnh Thúc Kháng nhận được sự đồng thuận cao của người dân, nhất là các hộ kinh doanh điểm tâm trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi khai trương và đưa vào hoạt động 2 phố chuyên doanh này, kịp thời phục vụ khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức dịp Tết Dương lịch, quận cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố để thúc đẩy phát triển các phố chuyên doanh như: phố hàng điện tử, phố dược phẩm, phố sách, hàng lưu niệm và xây dựng đường Bạch Đằng, đường Lê Duẩn thành trục đường văn hóa - lễ hội”, ông Đặng Việt Dũng cho biết thêm.