Trải nghiệm giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh trên “Đường Hạnh Phúc”
Du khách tham quan điểm dừng chân Mã Pì Lèng (Mèo Vạc). Ảnh: Việt Thắng
Bước sang năm mới 2015, “Đường Hạnh Phúc” - một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc tròn 50 tuổi. Được hoàn thành từ ngày 10.3.1965, là con đường kéo dài từ thành phố Hà Giang đến huyện Mèo Vạc do thanh niên dân tộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hải Dương lao động quên mình trong suốt 8 năm bằng phương tiện thô sơ với 2 triệu ngày công, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho 8 vạn đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá. Đối với bất kỳ ai ưa khám phá và trải nghiệm, việc tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh trên “Đường Hạnh Phúc” đi qua 4 huyện Cao nguyên đá sẽ là một chuyến đi trọn vẹn.
Trên đường đến Hà Giang, du khách có thể ghé qua Di tích lịch sử Quốc gia Tiểu khu cách mạng Trọng Con ở xã Bằng Hành (Bắc Quang); Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vị Xuyên; Di tích Quốc gia Chùa Sùng Khánh; Cột mốc Km 0 - đánh dấu điểm khởi công con đường Hạnh Phúc; Dốc Bắc Sum ở xã Minh Tân (Vị Xuyên) dài hơn 7 km, là con dốc uốn lượn mềm mại gắn liền với công cuộc vừa mở đường vừa chống Phỉ của thanh niên xung phong khi xưa; Cổng trời Quản Bạ có độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, nơi có cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến chắn giữ cổng trời, cửa ngõ vào Cao nguyên đá; Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương ở xã Sà Phìn in dấu ấn lịch sử của Đồng Văn và là nơi diễn ra Lễ cưới của thanh niên xung phong tham gia mở đường. Hoặc đệ nhất hùng quan đèo Mã Pì Lèng, là đoạn đường quanh co, hiểm trở, có hẻm vực sâu nhất Đông - Nam Á với nhiều câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ thanh niên xung phong... Khi đã hiểu biết về lịch sử thăng trầm của vùng Cao nguyên đá, bạn mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của các Lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; Lễ hội Nhảy lửa của người Dao; Lễ Kéo Chày của dân tộc Pà Thẻn; Lễ hội múa Trống của dân tộc Giáy; Lễ hội Chợ tình Khau Vai...
Đề cập đến ý nghĩa của “Đường Hạnh Phúc”, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL - Triệu Thị Tình - cho biết: “Sau khi tham gia chuyến du lịch “Con đường Hạnh Phúc” kết nối với di tích lịch sử văn hóa tâm linh, du khách sẽ cảm nhận được rất nhiều điều thú vị về các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của mảnh đất Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc. Đặc biệt, du khách sẽ hiểu biết về trang sử hào hùng của những thế hệ đi trước, khi tham gia mở tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 4C, hay còn được gọi với cái tên “Đường Hạnh Phúc” nối 4 huyện thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn với thành phố Hà Giang”.
Ngược dòng lịch sử trên “Đường Hạnh Phúc” sẽ là một chuyến đi hấp dẫn, độc đáo bởi bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ biến đổi của thiên nhiên trên cung đường huyền thoại, thu thập được những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, phong tục của đông đảo đồng bào các dân tộc anh em trên vùng Cao nguyên đá.