Vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản thế giới
Đến dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo địa phương, các vị khách quốc tế và hàng ngàn người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh…
Chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với các nghệ sỹ, nghệ nhân, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An, Hà Tĩnh…, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được kết tinh từ lao động, từ đấu tranh, tình yêu, trí tuệ tài hoa của các dân tộc anh em trên vùng đất của núi Hồng, sông Lam như biểu tượng của bản lĩnh hiên ngang, tinh thần hiếu học, trọng đạo lý, tôn thờ và luôn hướng tới cái đẹp.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết về xứ Nghệ là vùng “Đất xấu, dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành… Đó cũng là vùng đất đã tác thành ra bao lớp hiền nhân, là cái nôi sản sinh cả một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó dân ca ví, giặm Nghệ-Tĩnh là hai “thổ sản” độc đáo”.
Thứ “thổ sản độc đáo” ấy thể hiện sự kết tụ tuyệt vời của tiếng Việt với khẩu ngữ địa phương; của làn điệu Dân ca Việt Nam với nhịp sống, điệu thức của vùng quê nắng gió, nhọc nhằn, quả cảm.
Từ thuở nằm nôi, tâm hồn người xứ Nghệ đã được tắm chất thi ca trong những lời ru của bà, của mẹ. Lớn lên cùng những bài hát đồng dao rồi những điệu ví, câu giặm gắn với cuộc sống mưu sinh và tình yêu quê hương, đôi lứa. Mộc mạc mà ý nhị; dung dị mà mượt mà; lạc quan mà da diết, sôi nổi mà sâu lắng...
Nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị độc đáo, quý báu của Dân ca Ví, Giặm bằng nhiều phong trào, hình thức sinh hoạt và giao lưu phong phú; đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và để những giá trị kết tinh từ tâm hồn Việt Nam trở thành một phần quý báu trong kho tàng di sản văn hóa của cả nhân loại.
Trong giờ phút vinh danh Dân ca Ví, Giặm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các vị đại biểu, hàng ngàn người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã nhớ lại trước lúc ra đi, Bác Hồ vô vàn kính yêu muốn nghe một câu hò xứ Nghệ. Bác muốn nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ. Bác muốn nghe câu hát giặm quê nhà... để những bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông, để non sông đinh ninh lời hẹn thề: “Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn UNESCO, các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên đã ủng hộ để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hợp tác quý báu đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam.
“Chúng ta hãy nguyện cùng nhau bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, trong đó có Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, để những nguồn mạch thanh trong, ấm nồng hơi thở nguồn cội nuôi dưỡng và nâng cánh tâm hồn Việt; để văn hóa Việt hòa trong dòng chảy văn minh nhân loại; tạo nền tảng tinh thần và động lực xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; để nền Văn hiến Việt Nam truyền lưu muôn thuở”, Phó Thủ tướng nói.
* Tại buổi lễ, Đại diện UNESCO đã trao Bằng công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cho lãnh đạo, nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã công bố chương trình hành động bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Tiếp đó, Chương trình nghệ thuật “Về miền ví, giặm” đã đưa khán giả đến với mảnh đất nặng ân tình, đến với những con người hồn hậu, chân chất qua các trường đoạn: Đêm đò đưa nhớ Bác-Một khúc tâm tình-Ân tình xứ Nghệ-Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm.
Ngày 27/11/2014 (giờ Việt Nam), phiên họp lần thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO (diễn ra tại Paris, Pháp) đã chính thức vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong thời gian tới, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, kiểm kê; tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, đưa dân ca vào trường học (năm 2015 có 30-40% xã có Câu lạc bộ dân ca Nghệ Tĩnh); quảng bá và phổ biến, tổ chức giao lưu, liên hoan giữa các cộng đồng ở trong nước và quốc tế; ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân; bảo tồn, khôi phục lại một số bài bản, điệu hát truyền thống đã bị mai một; bảo tồn, phục dựng một số không gian văn hóa, môi trường diễn xướng của di sản; nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động và quản lý của các câu lạc bộ… Đồng thời, sớm lập đề án “Bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2020-2030”. |