Ấn tượng Bảo tàng “Không gian văn hóa Mường”
Đó là bảo tàng do hoạ sĩ Vũ Đức Hiếu xây dựng từ tình yêu nguồn cội của chính bản thân anh, với khát vọng tái hiện lại toàn bộ không gian sống của người Mường. Những hiện vật ở đây được hoạ sĩ Vũ Đức Hiếu sưu tầm hàng chục năm nay và tự thiết kế, bỏ vốn ra xây dựng. Đây cũng là Bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hoá của dân tộc Mường. Giới thiệu với chúng tôi, anh Hiếu cho biết: “Bảo tàng được xây dựng trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp, với những nét độc đáo: bãi đá Mường nằm rải hai bên đường dẫn vào cổng chính, được sắp xếp có chủ đích, ẩn hiện những họa tiết hoa văn thêu trên cạp váy Mường khắc chìm trên đá, giúp người xem khám phá không gian Mường, thể hiện đời sống, văn hóa, phong tục tập quán, kinh tế nông nghiệp cổ truyền đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Quần thể kiến trúc nhà sàn thể hiện 4 tầng lớp trong xã hội Mường: Nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc (Noọc), nhà Noóc Trọi (Noọc kloi)”.
Dẫn chúng tôi đi một vòng bảo tàng, hoạ sĩ Vũ Đức Hiếu, cũng là giám đốc bảo tàng giới thiệu từng chi tiết trong những khu trưng bày. Những dụng cụ dùng làm nương rẫy, cối xay, cối giã gạo, thùng đựng muối, mõ trâu, khung dệt vải quay sợi,... đều được sưu tầm, chọn lọc ở những thôn bản xa xôi của người Mường. Hiểu biết và lòng đam mê của anh làm chúng tôi thật sự khâm phục. Đúng như những gì mà nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Mường đã từng viết trong sổ lưu niệm tại bảo tàng: “Người ta đến Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn tìm hiểu, nghiên cứu về một dân tộc có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời. Một dân tộc được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là người Việt cổ, nằm trên vùng đất văn hoá lớn đã được thế giới công nhận, nền Văn hoá Hoà Bình. Vì vậy, từ nhân dân các miền trong cả nước, đến khách nước ngoài, từ sinh viên đến các nhà khoa học đều có thể tìm thấy sự hấp dẫn ở đây”.