Non nước Việt Nam

Độc, lạ ẩm thực ngày Tết của người Quảng Ninh

Cập nhật: 06/02/2015 10:14:53
Số lần đọc: 2361
Là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc, giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau, ẩm thực ngày Tết ở Quảng Ninh vừa có nét chung của đồng bào miền Bắc, lại vừa có những điểm độc đáo rất riêng biệt, vừa lạ mắt, vừa lạ miệng.

Người xưa quan niệm ngày Tết là dịp quan trọng nhất trong một năm. Việc ăn uống trong những ngày này thường phong phú và sang trọng hơn ngày thường, thậm chí, có những món ăn chỉ được nấu và thưởng thức trong ngày Tết. Người Quảng Ninh ăn Tết không quá cầu kỳ, cách chế biến lại có phần giản tiện hơn. Ngoài những món dùng trong thờ cúng, người ta còn làm nhiều món khác chỉ để lai rai, ăn chơi trong những ngày tết nhất thảnh thơi.

Điều đầu tiên khiến ẩm thực ngày Tết Quảng Ninh độc đáo là ở các món bánh. Mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh lại góp thêm một loại bánh riêng cho mâm cỗ tết, mang đặc trưng không thể trộn lẫn. Ngoài bánh chưng xanh gói vuông truyền thống của người Việt, người Dao ở Hoành Bồ, Bình Liêu... còn làm bánh chưng nhân màu đỏ. Bánh cũng gồm gạo nếp, đỗ, thịt lợn, nhưng được gói tròn bằng lá dong hoặc lá ỏng, nhân bánh trộn chung với nước lá hung lam (hồng làm) tạo nên màu hồng đỏ đẹp mắt. Khi cắt, từng khoanh bánh tròn  có hình như bông hoa, trông thực hấp dẫn.

 

Ở Hà Nam (Quảng Yên), mâm cỗ cúng trong ba ngày Tết hoặc lễ họ đầu năm lại không thể thiếu   bánh gio. Thức quà đã thành thương hiệu của mảnh đất này được làm từ gạo nếp ngâm trong gio (tro) của cây giá - một loại cây sống ở rừng ngập mặn ven biển. Bánh gói dài, dẻo, rền, có màu nâu vàng trong vắt, là thành quả của mùa màng được người dân nơi đây dâng lên ông bà tổ tiên sau một năm lao động cần cù.

Bánh tài lồng ệp có gốc từ người Hoa cũng trở thành món bánh ăn Tết của nhiều gia đình khắp miền Đông Quảng Ninh. Bột nếp trộn đều với một ít bột tẻ, đường phên, chút gừng làm gia vị kèm theo và nước rồi đổ vào chiếc rế có lót lá chuối, rắc lên ít vừng lạc, cuối cùng đem hấp cách thủy. Bánh vừa có vị ngọt của đường mật, lại có vị cay nồng của gừng, thơm bùi của vừng, lạc. Bánh tài lồng ệp để đến hàng mười ngày sau tết, khi bánh cứng lại cắt nhỏ rán trong dầu mỡ, vỏ bánh giòn mà ruột vẫn mềm dẻo tạo nên một vị ngon thật khác.

 

Người dân tộc Tày ở Bình Liêu lại có món bánh cá độc đáo. Trong ngày Tết, đồng bào gói bánh mẹ tròn to, ở giữa có một quả trứng gà và bánh bố có một con cá nướng bên trong. Hai loại bánh này cùng vài bánh con được gói lại thành bó đem luộc chín để cúng ông bà tổ tiên cùng nhiều thức khác, có khi đến 15 tết mới được hạ xuống khỏi ban thờ.

 

Ngoài các thức bánh, thịt lợn luôn là loại thực phẩm quen thuộc và được coi là món chính ngày Tết cùng với thịt gà. Từ giống lợn Móng Cái nổi tiếng, người dân các huyện miền Đông thường bỏ công chế biến món khau nhục bày cỗ Tết. Thịt lợn ba chỉ được thái miếng vuông và lớn, trải qua nhiều công đoạn luộc, rán, hấp, ướp với các loại gia vị độc đáo, tạo nên một món ăn đủ hương vị thơm ngon, đậm đà, béo ngậy mà không loại thịt nào có được.

 

Hải sản cũng là một phần không nhỏ tạo nên sự phong phú cho món ăn ngày Tết. Nếu ở nhiều nơi cá, tôm, mực chỉ là sự tô điểm thì người Quảng Ninh lại coi hải sản là điểm nhấn tạo cho bữa cơm ngày Tết vẻ sang trọng và đầy đủ. Ở vùng Đông Triều, người dân có món mắm rươi độc đáo. Từ vụ rươi tháng 10, người dân bắt đầu quấy rươi làm mắm, trộn với muối, rượu và cơm phơi nắng trong nửa tháng, tạo nên loại mắm màu vàng sậm, thơm ngầy ngậy. Sau Tết, khi mà rượu thịt đã bắt đầu “ngấy”, người ta mới bỏ mắm rươi ra lai rai cùng vài củ hành muối. Hết tháng Giêng cũng là lúc lọ mắm vừa cạn.

 

Cỗ Tết và cỗ trong những dịp quan trọng ở vùng cửa sông ven biển Quảng Yên không thể thiếu được món ngán. Cầu kỳ thì có ngán xào thịt lợn, thịt gà, nấm hương, mộc nhĩ... Nhưng đơn giản và ngon nhất vẫn là ngán luộc hoặc ngán nướng. Người Quảng Yên rửa sạch từng con, dùng lạt buộc vỏ để khi chế biến ngán không mất nước và ăn ngay khi vừa chín. Món ăn nóng hổi ăn trong cái se lạnh của những ngày đầu xuân mới thấy hết vị đậm đà của quê hương xứ sở.

 

Bằng sự kết hợp hài hòa những loại sản vật địa phương, người Quảng Ninh đã khéo léo làm ra mâm cỗ đầy ý nghĩa, không chỉ đẹp mắt, ngon miệng mà còn góp phần tạo nên nên những ấn tượng văn hóa khác biệt cho vùng đất này. Giờ đây, thói quen ăn uống thay đổi, nhiều món ăn truyền thống đã không chỉ dành riêng cho ngày Tết nữa. Tuy vậy, được thưởng thức những hương vị ấy trong không khí của những ngày chuyển giao năm cũ năm mới vẫn có những nét thú vị rất riêng, gợi một cảm giác xuân đang về./.

Nguồn: qtv.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT