Hòa Bình: Phát hiện đường đi và mộ táng văn hóa Hòa Bình tại hang Xóm Trại
Trong quá trình nạo vét lòng hang phục vụ công tác tu bổ tôn tạo, các nhà khảo cổ học của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã làm rõ thêm một đoạn đường đi cổ dài gần 10 mét dẫn lên hang tiếp liền với đoạn đường 6 mét phát hiện năm 2004 có niên đại cách ngày nay chừng 8-9 ngàn năm, đồng thời phát hiện một phần ngôi mộ cách nay gần 17 ngàn năm. Đường đi gồm những khối đá gốc hay đá lăn được đặt tự nhiên chạy song song với vách hang một tầm tay vịn. Đặc trưng nhận biết của vệt đường đi này là vết mòn bóng sử dụng còn lưu lại trong lòng đất tầng văn hóa. Phát hiện này giúp việc tu tạo đoạn đường đi cổ đầu tiên trong văn hóa Hòa Bình được kéo dài hơn và thêm phần sinh động. Ngôi mộ mới phát hiện nằm dưới một khối nhũ đã kết cứng tầng văn hóa phía trên. Người chết được chôn theo một chày nghiền cuội hình bầu dục, hai công cụ ghè đẽo, một mũi nhọn bằng sừng. Hông người chết đặt trên tầng than tro cháy của một bếp lửa dày khoảng 25cm. Mộ được lấp bằng đất nâu xốp lẫn ốc tầng văn hóa, hiện còn lại một viên cuội suối lớn (20x25x15cm) ở phần đùi người chết.
Phát hiện trên góp tư liệu mộ táng còn thiếu ở hang này cũng như làm phong phú thêm tư liệu chưa nhiều mộ táng trong văn hóa Hòa Bình.