Hoạt động của ngành

Du lịch Hà Nam: Tiềm năng và hướng phát triển

Cập nhật: 02/03/2015 11:02:20
Số lần đọc: 1713
Du lịch là một ngành kinh doanh cho lợi nhuận cao và tạo ra không ít công ăn việc làm cho người lao động. Tạo ra các sản phẩm du lịch, khai thác tài nguyên du lịch đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh. Nhưng so với các tỉnh trong khu vực, Hà Nam không có sản phẩm du lịch đủ sức thu hút đông du khách.

Đối với du lịch tâm linh tỉnh ta tuy có nhiều di tích gắn với các lễ hội nhưng hầu như giá lịch sử, văn hóa từ các lễ hội tạo nên hồn cốt của di tích đã mai một dần, có nơi mất hẳn, có nơi phục dựng nhưng chỉ được phần nào, không còn tính hấp dẫn đối với du khách. Đối với du lịch làng nghề, Hà Nam cũng có nhiều làng nghề truyền thống nhưng hoặc sản phẩm không còn phù hợp với xã hội hiện tại, hoặc do sự làm ăn đơn lẻ, không đủ sức ứng phó với sự biến động của cơ chế thị trường, các làng nghề cũng dần đi xuống. Các danh lam thắng cảnh một thời “vang bóng” như Kẽm Trống (Thanh Hải, Thanh Liêm), Bát cảnh sơn (Tượng Lĩnh, Kim Bảng), Nam thiên đệ nhị động Phúc Long (Kiện Khê, Thanh Liêm) cũng bị thời gian và con người tàn phá chỉ còn lại vết tích. Các di tích gắn với danh nhân nổi tiếng của tỉnh cũng có nhưng với sự đầu tư nửa vời, chưa được quan tâm xứng đáng cũng không phát huy được tác dụng.  

Từ không có tài nguyên du lịch sẵn có, sản phẩm du lịch nghèo nàn, cơ quan quản lý du lịch đã sớm năng nổ kiến tạo các điểm, tuyến du lịch. “Điểm ngắm” ngay từ đầu được các nhà hoạch định du lịch hướng đến là du lịch đường sông. Thành phố ngã ba sông, có nhiều di tích ven bờ; có sông Đáy, một trong những tuyến đường dẫn đến Nam thiên đệ nhất động Hương Tích - chùa Hương nên Bến thủy bờ Đông Đáy được xây dựng. Nhưng tuyến đường thủy đi chùa Hương đã bị đường bộ phát triển làm mất đi giá trị. Những di tích dọc sông như đền Trúc - Ngũ Động Sơn (Thi Sơn), chùa Bà Đanh - núi Ngọc (Ngọc Sơn) của huyện Kim Bảng, chùa Châu (Kiện Khê), chùa Trinh Tiết (Thanh Hải) của Thanh Liêm... nhỏ lẻ, đơn điệu lại bị thượng nguồn xả rác. Dòng sông Đáy xưa trong xanh nên thơ là thế, nay một năm đôi ba lần biến màu bốc mùi khiến Bến thủy không khai thác được như mong muốn.

 

Rất nhiều dự án, đề án về du lịch sau đó được xây dựng. Điểm chung của các dự án đề án là liệt kê rất nhiều di tích, cả còn lẫn không còn để tạo thành các tuyến du lịch của tỉnh. Kẽm Trống đẹp mơ mộng như thơ Hồ Xuân Hương không còn. Bát cảnh sơn (dãy núi có 8 ngôi chùa với phong cảnh đẹp) được chúa Trịnh Doanh ví như Bát cảnh Tiêu Tương (Trung Quốc) và cho lập hành cung thưởng ngoạn thì 6/8 chùa đã bị san phẳng hoặc chỉ còn nền móng. Hang Luồn Ao Dong (Liên Sơn, Kim Bảng) một bức tranh sơn thủy hữu tình nằm trong một dãy núi thấp được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi cao. Các dãy núi cao này lại đang nằm trong vùng quy hoạch khai thác tài nguyên làm vật liệu xây dựng đã khiến điểm du lịch được xác định là sinh thái này bị “bóp nghẹt”. Chùa Bà Đanh, đền Trúc - Ngũ Động Sơn (Kim Bảng), chùa Trinh Tiết (Thanh Hải, Thanh Liêm), chùa Đọi (Đọi Sơn, Duy Tiên), chùa Tiên (Thanh Lưu, Thanh Liêm), đền Đức Thánh Cả (Tượng Lĩnh, Kim Bảng), đền Vũ Điện (Chân Lý, Lý Nhân)... nếu nói bị “giải thiêng” có lẽ không thật đúng nhưng chính sự thay đổi của xã hội, sự hướng mở ra không gian rộng lớn, sự giao thoa văn hóa sâu rộng giữa các vùng miền đã làm cho các di tích từng đi vào ca dao, tục ngữ một thời bị lu mờ. Chỉ còn một vài địa chỉ tâm linh về thờ mẫu như đền Lảnh Giang (Mộc Nam, Duy Tiên), đền Cửu Tỉnh (Phù Vân, thành phố Phủ Lý)... là còn thu hút được đông du khách.

 

Sau một thời gian tìm hướng đi thích hợp, việc phục dựng lại hai lễ hội cổ đã mang lại diện mạo có phần khởi sắc cho du lịch Hà Nam, đó là lễ Tịch điền (Đọi Sơn, Duy Tiên), lễ phát lương đền Trần Thương (Nhân Đạo, Lý Nhân). Hai lễ hội này đã có tên trên bản đồ du lịch nhưng làm du lịch là để tạo nguồn tăng trưởng mà muốn tăng trưởng bền vững thì hai lễ hội này còn cần phải có sự quy hoạch, đầu tư và nhiều sự cộng hưởng văn hóa khác nữa. Và một dự án được nhận định tạo bước đột phá cho du lịch Hà Nam là khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng) đang được tiến hành xây dựng. Đây là vùng chân núi ngập nước, cảnh đẹp mang nhiều nét hoang sơ trong lành. Khu du lịch  này chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để đầu tư xây dựng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030./.

Nguồn: hanam.gov.vn

Cùng chuyên mục