Hoạt động của ngành

Tiềm năng du lịch Tân Kỳ - Nghệ An

Cập nhật: 18/03/2015 15:24:33
Số lần đọc: 2062
Trên đất huyện Tân Kỳ (Nghệ An), dấu vết nền văn hoá Hoà Bình đã được tìm thấy trong nhiều hang đá thuộc dãy núi đá vôi Lèn Rỏi, nổi tiếng nhất là Hang Chùa.

Dẫu đã thành phế tích nhưng Đền thờ Đức ông Lê Mạnh đại tướng quân, 1 trong 12 vị tướng giỏi của Vua Mai Hắc Đế trên địa bàn xã Tân An vẫn quanh năm hương khói. Vào thời Lý, tri châu Lý Nhật Quang đã có công mở con đường thượng đạo đi qua đất Tân Kỳ nối liền với Thanh Hoá và ra tận Thăng Long làm đường tiến quân đánh thắng Chiêm thành vào năm 1044. Đặc biệt, trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi chọn Nghệ An làm thế đứng chân để hạ Thành Trà Lân, Lê Lợi đã lập nhiều căn cứ trên đất Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp mà ngày nay vẫn còn lưu lại những tên gọi như bãi Loi Loi, bãi Tập Mã, bãi Voi, núi Đồn... Trong một vài hang đá thuộc Lèn Rỏi, người dân thỉnh thoảnh vẫn bắt gặp các loại dao kiếm, mã tấu bằng sắt, chứng tỏ nơi đây còn là nơi cất giấu vũ khí của nghĩa quân. Sử sách còn ghi cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật trên đất Tân Kỳ đầy bi hùng với nhiều căn cứ phòng thủ song nay bị xoá sạch. Đến thời Cần Vương, tuy không phải là căn cứ chính của nghĩa quân Cần Vương nhưng mảnh đất Tân Kỳ lại là nơi các lãnh tụ và nghĩa binh Cần Vương ẩn náu, tránh sự truy lùng của giặc, nuôi dấu lực lượng lâu dài. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua, mảnh đất Tân Kỳ lại một lần nữa viết lên trang sử mới bằng việc tiếp tục xẻ núi, băng ngàn mở ra con đường thượng đạo mới tiến về Nam, vào tận miền đông Nam Bộ - Lộc Ninh, con đường mang tên đường mòn Hồ Chí Minh mà điểm xuất phát là cột mốc số 0, ngay ngã tư thị trấn Lạt. Một thời gian dài, Tân Kỳ rơi vào cảnh "phong bế". Chỉ từ khi nâng cấp con đường từ Đô Lương lên và nhất là hoàn thành đường Hồ Chí Minh, Tân Kỳ mới thoát khỏi tình trạng "không có đường ra", tất cả dường như bừng thức. Cam Sông Con, mía đường Sông Con, gạch ngói Cừa... nhanh chóng khẳng định được thương hiệu của mình. Kinh tế trang trại, kinh tế hộ rồi dịch vụ thương mại nhanh chóng khởi sắc. Bây giờ lên Tân Kỳ chỉ mất không đầy 2 tiếng đồng hồ đi từ Vinh, cứ đi từng quãng đường là bắt gặp những thị tứ, phố thị sầm uất, tràn ngập hàng hoá, các điểm dịch vụ... không kém mấy các huyện miền xuôi. Vậy nhưng Tân Kỳ vẫn chưa thoát khỏi huyện nghèo, dẫu kinh tế hàng hoá khởi sắc nhanh nhưng các tiềm năng nhất là du lịch, vẫn chưa được đánh thức. Phải chăng còn thiếu một tầm nhìn, một giải pháp để khai thông? Đánh thức tiềm năng du lịch Tân Kỳ cần song song cả hai giải pháp về kinh tế và văn hoá, trong đó chú trọng khâu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa là một việc làm rất cần thiết. Đó là cách song hành phát triển văn hoá và kinh tế phục vụ du lịch, lấy nguồn thu từ sản phẩm du lịch để tôn tạo di tích, nâng cấp đường giao thông... Cũng với cách làm như vậy, việc tôn tạo, bảo tồn các di tích thời khởi nghĩa Lam Sơn, khởi nghĩa Lê Duy Mật, Cần Vương và thời kháng chiến chống Mỹ trên đất Tân Kỳ cũng cần có sự phối hợp giữa các thành phần kinh tế và các cấp.  

Một tour du lịch nối kết từ Cửa Lò lên Truông Bồn - Tân Kỳ có thể mở ra nối với đường 48 và theo đường Hồ Chí Minh là có thể thực hiện trong tương lai gần. Gần đây, đã có tư nhân mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn Phú Gia khá đẹp ở thị trấn. Nếu được đầu tư thoả đáng con đường, dọc Lèn Rỏi chạy dài theo sông Con với hệ thống hàng chục hang động hoang sơ sẽ được đánh thức, du lịch Tân Kỳ sẽ làm nên nhiều điều mới lạ.../.

Nguồn: ngheantourism.gov.vn

Cùng chuyên mục