Trải nghiệm một ngày ở bản Noong Chứn của Điện Biên
Ruộng bậc thang ở Điện Biên nhìn từ trên cao - Ảnh: Thanh Quyên
Đoàn chúng tôi ghé thăm bản Noong Chứn (phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) vào một buổi chiều mưa lất phất. Từ xa đã thấy khói bay mù mịt rồi mùi các món nướng tỏa ra như mời gọi du khách. Những người phụ nữ Thái đen bận rộn với việc bếp núc nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Dù kề bên cái nóng của những chiếc bếp củi hừng hực cháy, họ vẫn tiếp chuyện du khách phương xa nhiệt tình, vui vẻ.
Trên những chiếc vỉ nướng, món “pa pỉn tộp” đang bắt lửa. Đấy là món cá lăng, cá chép hoặc cá trắm nướng theo kiểu đặc trưng của người Thái. Trong tiếng Thái, “tộp” có nghĩa là gập lại làm đôi. Sau khi rửa sạch con cá, người ta ướp vào đó các loại gia vị như mắc khén, rau húng, thì là, sả băm, ớt bột, muối, bột ngọt… rồi gập lại làm đôi và gói trong lá chuối trước khi đặt lên vỉ nướng than và nướng trong vòng 25 - 30 phút. Món cá nướng này ăn nóng mới ngon rồi chấm với “chẩm chéo”, một loại nước chấm đặc biệt do chính tay của người dân bản địa chế biến, sẽ làm cho món ăn thêm phần độc đáo.
Pa pỉn tộp là một trong những món ăn đặc trưng của người Thái vốn ưa thích những món nướng. Đến đây, bên cạnh món cá nướng này, du khách sẽ được thưởng thức món gà nướng, thịt heo gác bếp, xôi nếp…

Bà Tống Thị Vượng, một người dân trong bản, cho biết mô hình du lịch homestay mà bản Noong Chứn đang thực hiện đã có từ gần 5 năm nay, đem lại thêm thu nhập cho người dân. “Mỗi tuần chúng tôi đón khoảng 2-3 đoàn khách, có đoàn đến chỉ đặt ăn, có đoàn đăng ký nghỉ đêm khoảng 1 - 2 ngày tại nhà người dân để có thể trải nghiệm cuộc sống của người Thái đầy đủ hơn”.
Bà Vượng kể ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là người dân đi làm nương rẫy, trồng ngô, rồi đến chiều về lúi cúi trong bếp nấu nướng phục vụ khách. “Tuy cũng cực nhưng anh em chúng tôi cùng nhau làm riết rồi quen”, bà nói. Niềm vui của những người dân nơi đây là mỗi khi có khách phương xa, trong nước hay nước ngoài, viếng thăm là họ có cơ hội được chuyện trò để chia sẻ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Khi việc bếp núc xong xuôi, trong lúc khách đang cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc trưng và nhấp chén rượu táo mèo, những người phụ nữ Thái lại lui vào bên trong trang điểm và khoác lên mình những chiếc váy dài truyền thống của người Thái để chuẩn bị tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” phục vụ thực khách. Khách lại được thưởng thức những bài hát ca ngợi vùng đất, con người Điện Biên và những điệu múa múa xòe đẹp mắt.
Trong lúc đang say sưa với những điệu múa, một cô gái Thái trẻ đến mời rượu từng người. Theo phong tục, khi cô gái rót rượu táo mèo vào một cái tách nhỏ rồi mời khách, họ không được phép từ chối và phải uống cạn ly. Không khí mỗi lúc một sôi nổi hơn khi du khách được người dân mời nhảy sạp trong tiếng nhạc tươi vui.
Đến tối mọi người chuẩn bị ra về, những người dân bản Noong Chứn ra tiễn khách, không quên gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất. Dường như không khí náo nhiệt vẫn còn làm mọi người say sưa nên lúc này ai nấy đều trầm xuống, không ai muốn đi dù biết rằng “cuộc vui nào rồi cũng tàn”.