Non nước Việt Nam

Bảo tồn nhà tộc họ Cơ Tu, Quảng Nam

Cập nhật: 01/07/2015 14:39:53
Số lần đọc: 2002
Không chỉ làm nơi sinh hoạt, hội họp, đón tiếp khách quý,... nhà tộc họ của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang còn là không gian văn hóa độc đáo, góp phần gìn giữ bản sắc truyền thống của đồng bào vùng cao.
Nhà tộc họ truyền thống Cơ Tu tại làng Pơr’ning. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không gian văn hóa

Theo già làng Clâu Nhấp (ở làng Pơr’ning, xã Lăng), trước đây làng người Cơ Tu nào cũng có nhà tộc họ theo mô hình nhà sàn hoặc gươl, moong truyền thống. Tùy theo điều kiện sống ở mỗi vùng mà nhà tộc họ được chia thành hai loại: kiểu nhà sàn (đông đh’rơơng k’bhúh/tô) của đồng bào Cơ Tu sinh sống ở vùng thấp; kiểu nhà dài (đông a’chuôr k’bhúh/tô) của người Cơ Tu sống ở vùng cao. Dù vậy, cả hai loại hình đều mang giá trị kiến trúc rất độc đáo, thể hiện tinh thần cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên trong tộc họ. “Mọi công việc bàn bạc, giải quyết của làng vùng cao bao giờ cũng bắt đầu từ nhà tộc họ, tức giải quyết trong tộc họ trước rồi mới đến làng bản. Nhờ vậy, sự thống nhất chung mọi công việc trong làng thường rất nhanh gọn” - già Nhấp cho biết thêm.

Ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho hay, kiến trúc nhà tộc họ của đồng bào Cơ Tu là một trong những nét văn hóa độc đáo riêng biệt, được xem như thước đo về mặt tình cảm giữa người thân trong tộc ở mỗi làng. Do vậy, từ nhiều đời nay, đồng bào luôn coi trọng và gìn giữ ngôi nhà tộc họ, xem đó như linh hồn của cha ông hiện hữu bên con cháu mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng theo ông Bưng, ngày nay khi cuộc sống đã có nhiều thay đổi, ít vùng Cơ Tu còn gìn giữ nguyên vẹn nhà tộc họ, khiến giá trị về kiến trúc và văn hóa phần nào bị phai mờ trong tiềm thức của đồng bào vùng cao. Do vậy, văn hóa nhà tộc họ đang ngày dần phai nhạt và có nguy cơ biến mất. “Ra sức khôi phục, tìm hướng bảo tồn văn hóa nhà tộc họ cần phải dựa vào chính tộc họ ở từng làng, bản của đồng bào bản địa. Không ai khác, bởi chính họ là những chủ thể trong công tác bảo tồn bản sắc của mình; trong đó chú trọng đến việc phát huy vai trò người có uy tín trong tộc họ để tìm tiếng nói chung, giúp đồng bào gìn giữ không gian văn hóa tộc họ” - ông Bưng chia sẻ.

Khôi phục và nhân rộng

Để không gian văn hóa tộc họ tiếp tục phát huy hiệu quả, những năm qua huyện Tây Giang đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm khôi phục và nhân rộng mô hình nhà tộc họ truyền thống Cơ Tu, từng bước giúp bảo tồn giá trị văn hóa phù hợp với đời sống của đồng bào. Theo ông Palăng Bưng, từ mô hình nhà tộc họ truyền thống ở làng Pơr’ning, ngành văn hóa địa phương đang có kế hoạch hỗ trợ đồng bào nhân rộng mô hình nhà tộc họ truyền thống tại xã A Xan để bảo tồn không gian văn hóa độc đáo này. “Huyện Tây Giang luôn xác định, xây dựng văn hóa cơ sở phải xuất phát từ văn hóa làng, văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu. Lấy văn hóa làm gốc cho sự phát triển chung trên cơ sở ưu tiên yếu tố con người, mà trước hết là phát huy hiệu quả vai trò từ văn hóa tộc họ” - ông Bưng cho biết thêm.

Được xây dựng từ hơn 10 năm trước, nhà tộc họ ở làng Pơr’ning được xem là mô hình đầu tiên của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang góp phần đưa văn hóa làng phát triển gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị hiệu quả. Tương ứng với 10 tộc họ lớn trong làng, đồng bào phục dựng 10 nhà tộc họ truyền thống chung quanh gươl làng. Theo đó, các nhà tộc họ này có đặc điểm cấu trúc giống nhau từ vật liệu đến cách dựng, đảm bảo nét truyền thống và phù hợp với văn hóa làng Cơ Tu. Ngoài nhà tộc họ, ở nhiều vùng đồng bào Cơ Tu còn xây dựng moong (nhà sinh hoạt truyền thống) cho từng gia đình. Kiến trúc moong tuy không quá cầu kỳ như gươl, nhưng vẫn đảm bảo được giá trị về mặt tinh thần và cũng là một trong những không gian văn hóa lý tưởng cho việc sinh hoạt, vui chơi giải trí của từng gia đình.

Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn coi trọng và gìn giữ văn hóa làng, xem đó là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, tộc họ ở mỗi làng, bản vùng cao. Do vậy, phát huy giá trị văn hóa làng cần phải đi đôi với việc bảo tồn, nhất là công tác xây dựng làng bản văn hóa gắn với vai trò của từng tộc họ. “Bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa làng, trước hết cần chú trọng đến công tác khôi phục gươl, xây dựng nhà tộc họ truyền thống và chăm lo đến đời sống văn hóa của đồng bào bản địa. Có như vậy, công tác bảo tồn bản sắc cho đồng bào mới đạt hiệu quả, góp phần đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa thực sự đi vào đời sống” - ông Blúi nói.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT