Tuần Văn hoá Huế tại Hà Nội: Ngày hội tôn vinh di sản văn hoá đầu tiên được công nhận tại Việt Nam
Nội dung của Tuần Văn hóa Huế dự kiến sẽ có nhiều hoạt động văn hóa phong phú và hấp dẫn như Trưng bày triển lãm; Biểu diễn sân khấu; Tổ chức các hoạt động văn hóa và trò chơi cung đình Huế xưa; Giới thiệu ẩm thực; Trưng bày triển lãm tranh, ảnh, giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật; tọa đàm giao lưu về di sản Văn hóa Huế…
Hoạt động Trưng bày triển lãm bao gồm: Trưng bày cổ vật với chủ đề Đời sống cung đình xưa, một đời sống cung đình của TK.XIX và đầu TK.XX sẽ được tái hiện qua một số sưu tập hiện vật đồ sứ, đồ đồng, đồ dệt, đồ pháp lam, đồ gỗ của Bảo tàng CVCĐ Huế; Triển lãm Huế xưa và nay, thời gian qua hình ảnh, sẽ phản ánh những thay đổi trên những dấu tích cụ thể ở Huế với các hình ảnh Huế xưa và Huế nay với cái nhìn đối sánh; Triển lãm ảnh Họa tiết cung đình bao gồm các bức ảnh của nữ nghệ sĩ Đào Hoa Nữ là những bức ảnh chụp các họa tiết của công trình di tích Huế sẽ khái quát nên những mô-tip kiến trúc của triều Nguyễn, khẳng định những quan niệm, nhận thức thẩm mỹ của một thời đại.
Bên cạnh đó, Triển lãm hình ảnh Huế,thành phố văn hóa, du lịch, thành phố Festival sẽ khái quát nên một thành phố giàu tiềm năng van hóa và du lịch, một trẻ trung, năng động trong hội nhập qua các kỳ festival đã tổ chức. Triển lãm Thư pháp Hán Nôm với chủ đề Huế- Hà Nội và những bài thơ Trung đại sẽ khái quát nên một diễn trình thơ Trung đại ở Huế và Hà Nội xưa.
Ngoài ra, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ được diễn ra suốt 6 đêm với những nội dung phong phú, đặc sắc. Đêm Khai mạc là Chương trình Nghệ thuật Cung đình tổng hợp. Những đêm tiếp theo sẽ có các chương trình như Chương trình nghệ thuật Vũ khúc cung đình và Ngày về nguồn; Chương trình Ca Huế; Chương trình Nhã nhạc.
Tại các chương trình, cùng với các loại hình diễn xướng khác, các bài bản của Nhã Nhạc sẽ có cơ hội đến với công chúng Thủ đô trong Tuần Văn hóa Huế tại các đêm diễn. Trên cơ sở những tiết mục đã được nghiên cứu, dàn dựng một cách khoa học và công phu, các nhà tổ chức đã xác định các chương trình biểu diễn với các bài bản, vũ điệu, trích đoạn của âm nhạc và vũ khúc cung đình chủ yếu để giới thiệu như Tam Luân Cửu Chuyển; Song tấu trống kèn Mã vũ - Du xuân - Tẩu mã; Thập thủ liên hoàn; Phú Lục; Lân Mẫu xuất Lân nhi; Trình Tường Tập Khánh; Vũ phiến; Múa Song phụng; Lục Cúng Hoa Đăng. Bên cạnh đó, tiết mục giới thiệu y phục cung đình cũng đã được nghiên cứu để thực hiện nhằm giới thiệu văn hoá mặc của triều Nguyễn thông qua việc mô phỏng thời trang cung đình kết hợp với các hoạt cảnh trình diễn có tính khái quát, khơi gợi không khí cung đình xưa.
Đặc biệt sẽ có các chương trình trình diễn thơ theo một cách làm mới, tái hiện các “chiếu thơ” qua hai chương trình: 700 năm Thơ Huế và 1000 năm Thơ Thăng Long - Hà Nội. Phần diễn ngâm của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, phần trình bày thơ sẽ có sự phối hợp với các nhà thơ Hà Nội.
Hoạt động giới thiệu về nghề truyền thống Huế cũng được tổ chức với sự tinh gọn qua các gian hàng về ngành nghề thủ công, các gian hàng về ấn phẩm, thông tin du lịch, dịch vụ…Các nội dung của chương trình ẩm thực cũng được tổ chức như bún Huế và các loại bánh, cơm hến và các loại chè Huế, dạ tiệc món ngon Huế xưa…kết hợp với thức uống là bia Huda, một loại thức uống có thương hiệu ở Việt Nam hay Minh Mạng thang, một loại rượu ít nhiều đã được nghiên cứu từ “công thức” dành cho vua Minh Mạng.
Một nội dung khá quan trọng khác là tổ chức các trò chơi cung đình, tổ chức hoạt động trình diễn thư pháp, thêu tranh…vào các đêm của Tuần Văn hóa Huế. Các trò chơi cung đình được tổ chức bao gồm: Bài vụ, Xăm hường, Thả thơ và Đầu hồ. Người Huế xưa rất “công kỹ” với sự chơi, nhất là những người Huế thuộc tầng lớp qúy tộc, quan lại... Một số trò chơi và thú tiêu khiển vốn lưu truyền trong dân gian đã được cải biên phù hợp với lối sống của tầng lứop thượng lưu. Tầng lớp này cũng tạo nên các trò tiêu khiển mới như đầu hồ, thưởng thức nghệ thuật diễn xướng, thả thơ...
Đến với Tuần Văn hóa Huế, ngoài việc được tham quan triển lãm, thưởng thức các loại hình nghệ thuật cung đình Huế, công chúng Thủ đô còn có cơ hội tham gia vào các trò tiêu khiển cung đình xưa để hiểu thêm về các thú tiêu khiển của các ông hoàng bà chúa một thuở. Họ có thể hiểu thêm về thú thả thơ trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân qua trò chơi Thả thơ; có thể hiểu thêm về một môn thể thao thiên về kỹ xảo khéo léo thịnh hành trong cung Nguyễn xưa qua trò Đầu hồ; có thể hiểu thêm về ước nguyện đỗ đạt của người xưa qua trò Xăm hường v.v.