Khám phá hang động Belum ở Ấn Độ
Hang động tọa lạc tại làng Belum thuộc quận Kurnool, bang Andhra Pradesh của Ấn Độ. Belum bắt nguồn từ chữ “Bilum”, tiếng Phạn là hang động, còn trong ngôn ngữ Ấn cổ là “Belum Guhalu”. Trong hang có nhiều hành lang, phòng ốc rộng lớn, phòng trưng bày và hệ thống dẫn nước.
Kỳ tích của thiên nhiên
Các hang động Belum hình thành do sự xói mòn chất lắng của đá vôi ở khu vực sông Chitravati cách đây hàng triệu năm. Chúng tạo ra nhờ hoạt động của axit cacbonic hoặc mạch nước ngầm hơi có tính axit tạo nên bởi phản ứng giữa đá vôi và nước. Những axit này hòa tan các chất khoáng trong đá vôi trong khu vực. Sự hiện diện của sông Chitravati một thời gian dài đã góp phần tạo ra một mê cung rộng lớn những hang động dưới lòng đất.
Giờ đây, nước sông Chitravati chảy suốt gần 30km về hướng Nam của Belum. Hang động có ba giếng nước hình dạng lởm chởm giống những lỗ hổng sâu răng. Giếng trung tâm là lối vào chính của hang. Tuy nhiên, dân địa phương cho biết còn có hàng trăm cái như vậy trong vùng. Các vách hang đặc biệt rất trơn nhẵn do nước sông xói mòn.
Phát triển của các hang động
Hang động Belum có tầm quan trọng về mặt địa chất và lịch sử. Nhiều bằng chứng cho thấy các nhà sư Phật giáo và Kỳ Na giáo từng chiếm giữ hang cách đây nhiều thế kỷ trước và không ít thánh tích đạo Phật được tìm thấy bên trong hang. Các bảo vật này được cất giữ tại viện bảo tàng của thành phố Anantapur. Nghiên cứu khảo cổ Ấn Độ cũng phát hiện, tàn tích của những tàu thuyền thời tiền Phật giáo có trong hang từ 4.500 năm trước Công Nguyên.
Năm 1999, Công ty Cổ phần và Phát triển Du lịch Andhra Pradesh phê chuẩn ngân sách cải tạo hang động nhằm thu hút du khách. Người ta phát triển những con đường nhỏ dài khoảng 2km của hang, thiết kế hệ thống chiếu sáng êm dịu và tạo thêm ống thông khí trong các hang. Nhiều chỗ trong hang còn có những cây cầu, bậc thang…cho dễ di chuyển, có quầy thức ăn, nhà vệ sinh gần lối ra vào. Một tượng Phật khổng lồ thiết kế cạnh mô đất gần hang động, có “Phòng Thiền tịnh” dành cho các tu sĩ Phật giáo.
Hang động có kiến trúc tự nhiên hình mái vòm
Simhadwaram, giống hình đầu sư tử gọi là cổng sư tử. Phòng Kotilingalu với hàng ngàn thạch nhũ tạo vẻ siêu thực thật ấn tượng, một cột trụ khổng lồ cũng từ thạch nhũ và đá của hang động. Patalaganga, dòng suối nhỏ lâu năm từng biến mất sâu trong lòng đất. Suối này chảy từ Đông Nam sang Tây Bắc rồi biến mất, người ta tin rằng nó hướng đến một cái tiếng của làng Belum. Saptasvarala Guha (còn gọi là phòng của bảy lời chú nguyện) hoặc phòng âm nhạc. Trong phòng có nhiều thạch nhũ được thiết kế phát ra tiếng nhạc khi gõ bằng thanh gỗ hoặc các khớp ngón tay. Khu vực này mở cửa đón khách từ năm 2006./.