Đến Yên Bái chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuối thu ở xứ “trôn ốc nhà trời”
Tên gọi Mù Cang Chải hay La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình… dễ làm người ta liên tưởng đến những vùng đất xa xôi, tít mù trên non cao, giữa mây ngàn. Thế nhưng, không ít người, cứ mỗi mùa vàng đến, lại vài lần khoác ba lô lên, xuống những bậc thang như trôn ốc khổng lồ cho thỏa chí. Mù Cang Chải không còn xa; La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình trở thành những cái tên quen thuộc đầu tiên khi người ta nhắc đến tháng 9- tháng của những mùa vàng óng ả miền Tây Bắc.
Đây là vùng đất đa sắc tộc nằm trên độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, tương đương độ cao của xứ Đà Lạt mộng mơ. Những đồi núi trập trùng tiếp nối nhau. Người dân ở đây tin rằng đó là những ngón tay của trời, mà thung lũng là lòng bàn tay nâng đỡ bản làng. Người bản địa (người Dao, người Mông, người Hà Nhì, người Giáy, người Tày, người Xa Phó, người Nùng, người Pa Dí) cải tạo những trái núi, quả đồi thành những bậc thang để giữ đất, giữ nước trồng lúa. Hết xuân, sang hè, người ta kéo nhau ra ruộng chuẩn bị mùa vụ mới. Cho đến cuối thu, những bậc thang khô khan ngày nào trở nên vàng óng. Người dân bắt tay vào mùa gặt. Cả vùng núi hùng vĩ như được nhuộm một màu vàng rực rỡ.
Mê mẩn xứ "trôn ốc nhà trời", những lữ khách miền xuôi lên đèo Khế rồi vượt đèo Khau Phạ ngoạn mục dài 20 cây số để đến, ăn, ngủ và thở cùng mùa vàng. Ngắm từ mọi phía vẫn chưa thỏa chí, người ta lại mang dù lượn lên đỉnh đèo rồi cất mình trên không trung để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp mê hồn của kiệt tác được làm nên từ đôi tay lao động của con người. Đu mình trên chiếc dù như một con diều lượn giữa không trung, cả một vùng rộng lớn của đường kính gần 20 cây số thu vào tầm mắt. Ở đó, bạn sẽ hình dung được những lòng bàn tay nâng đỡ những bản làng người Mông, người Thái. Xung quanh đó là những ngón tay vươn cao với những xoáy trôn ốc rực rỡ. Những con đường như dải lụa mềm uốn lượn, tô điểm cho bức tranh sinh động. Ở giữa lưng chừng trời của miền sơn cước, bao đời nay, người bản địa vẫn sống hòa thuận với thiên nhiên. Dựa vào nước trời để cày cấy. Dựa vào tiết trời để thu hoạch những vụ mùa. Thiên nhiên cũng vì thế mà đối đãi tốt với con người. Cả hai cùng chung sống, nâng đỡ lẫn nhau.
Biết nương tựa vào thiên nhiên, có thể nói "Mùa vàng trên non" là một lễ hội đặc sắc của địa phương, thuần túy tự nhiên. Đây là dịp để du khách gần xa đến đây chiêm ngưỡng những kiệt tác vốn rất đời thường của người bản địa. Để du khách mãn nhãn với vẻ đẹp thiên nhiên đó, hoạt động dù lượn từ đỉnh đèo Khau Phạ ở độ cao 1.200 mét là một sức hút mạnh mẽ. Dự kiến có đến 200 phi công chuyên nghiệp của các câu lạc bộ dù lượn trong nước và những phi công đến từ các nước trên thế giới tham dự sự kiện bay biểu diễn trên bầu trời xứ trôn ốc. Và hàng ngàn du khách đăng ký trải nghiệm mùa lúa vàng trên non cao, tung người trên bầu trời trải thảm vàng rực rỡ. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn đã kín 80- 90% từ khi công bố sự kiện. Lần đầu tiên, tiếng khèn Mông được đưa vào lễ hội thành một cuộc thi để những người con trai Mông biểu diễn trước du khách những điệu khèn tỏ tình đầy chất nghệ sỹ. Hay hoạt động vui chơi dân gian chọi dê được đưa vào sự kiện cũng là một cách quảng bá văn hóa độc đáo. Đến đây vào mùa vàng năm nay, du khách còn có dịp hiểu thêm về con người, vùng đất trên non cao Yên Bái qua những thước phim tư liệu, văn hóa, những hình ảnh đời thường tại triển lãm hay qua phiên chợ vùng cao…
Trải nghiệm mùa vàng trên non không chỉ khám phá vẻ đẹp xứ “trôn ốc nhà trời” mà còn học được cách sống hòa hợp với thiên nhiên, thưởng lãm cảm giác lâng lâng giữa lưng chừng trời của miền đất này./.