Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam
Để Việt Nam trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực
Mục tiêu của hội nghị lần này là nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan bao gồm các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về du lịch từ Trung ương tới địa phương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, qua đó tìm kiếm các giải pháp và định hướng hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực du lịch một cách bền vững.
Tại hội nghị ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH, TT&DL) trình bày những định hướng cơ bản về phát triển du lịch ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực du lịch trong tương lai. Trong 5 - 10 năm tới ngành Du lịch Việt Nam vừa phát triển nhanh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng vừa phải nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch khu vực và quốc tế. Đối với ngành Du lịch, nguồn nhân lực đóng một vai trò quyết định đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây chính là vấn đề trọng tâm cần phải tập trung đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu trên.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết thêm, trong những năm qua ngành Du lịch đã quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Nếu như trước năm 1990, cả nước chỉ có 3 trường đào tạo công nhân khách sạn du lịch tại Hà Nội, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh thì hiện nay cả nước có trên 40 trường Đại học có khoa du lịch, khoảng 40 trường cao đẳng du lịch, 43 trường Trung cấp du lịch. Ngoài ra còn có nhiều trung tâm đào tạo nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức đào tạo các nghề về phục vụ bàn và nấu ăn. Hàng năm đào tạo hàng chục ngàn học sinh và sinh viên làm việc trong ngành Du lịch.
Với xu thế hội nhập với thị trường du lịch của khu vực và quốc tế, nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành Du lịch Việt Nam đòi hỏi lớn không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Nguồn nhân lực này không chỉ phục vụ trong nội địa đất nước mà còn phục vụ ở nước ngoài thông qua các hợp đồng làm việc với các tập đoàn khách sạn và du lịch hoặc xuất khẩu lao động. Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới là cơ bản giải quyết đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng cũng như duy trì cơ cấu lao động hợp lý để khẳng định yếu tố quyết định đối với phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực. Do vậy, mục tiêu đến năm 2015 chính là 100% đội ngũ cán bộ nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương được đào tạo chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công việc, 100% đội ngũ cán bộ quản lý ở doanh nghiệp và giám sát được đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch. Cũng như các cơ sở đào tạo du lịch, đào tạo chương trình đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bên cạnh đó, xây dựng phong trào toàn dân nhận thức đầy đủ về du lịch.
Chia sẻ kinh nghiệm
Tiến sĩ Steven Chua, Chủ tịch Trường SHATEC, Singapore chia sẻ kinh nghiệm từ một cơ sở đào tạo du lịch hàng đầu châu Á trong việc kết hợp hài hòa giữa nhu cầu phát triển du lịch quốc gia với các tiêu chuẩn nghề và đào tạo kỹ năng nghề, qua đó giúp Singapore duy trì khả năng cạnh tranh cao trên thị trường du lịch quốc tế. Theo tiến sĩ Steven Chua, các cơ sở đào tạo cần xây dựng giáo trình đào tạo phù hợp, cụ thể, như SPA, các điểm du lịch, đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, điều hành lễ hội và đồ uống, thực hành pha chế rượu, quản lý sự kiện và hoạt động giải trí, điểm giải trí về đêm, quản lý các sự kiện thi đấu thể thao. Nhưng yếu tố hàng đầu chính là sự đón tiếp và thái độ phục vụ của nhân viên làm nền tảng cho sự phát triển, như vậy yếu tố của nguồn nhân lực là hết sức quan trọng để phát triển các loại hình dịch vụ này.
Trong khi đó ông Alex Rajakumar Ponniah, Giám đốc Trung tâm Du lịch Khối thịnh vượng chung tại Malaysia chia sẻ quan điểm về các chính sách và hướng tiếp cận của Khối thịnh vượng chung và khả năng ứng dụng đối với Việt Nam. Trong Khối thịnh vượng chung, tập trung 53 nước, dân số 1,8 tỷ người, chiếm 20% khách du lịch thế giới. Trung tâm Du lịch Khối thịnh vượng chung cùng với các cơ quan khác chịu trách nhiệm thúc đẩy du lịch và lữ hành trong nội bộ Khối thịnh vượng chung, hỗ trợ trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư du lịch và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược. Bên cạnh đó cần xây dựng chiến lược tăng cường năng lực du lịch. Đây là một quá trình hướng tới xây dựng ngành du lịch “trưởng thành” mà sẽ giảm thiểu phụ thuộc vào đầu vào của nước ngoài, từ đó giúp ngành Du lịch đạt được tăng trưởng bền vững.
Ông Hà Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc khách sạn Sofitel Metropole chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo chất lượng nguồn lao động và triển vọng của doanh nghiệp tư nhân. Mỗi một lao động khi được tuyển dụng sẽ tham gia khóa đào tạo định hướng tối thiểu 1 tháng. Đây chính là mục đích đảm bảo cho người lao động hiểu biết về doanh nghiệp, về các loại hình dịch vụ, các quy định, chính sách của khách sạn.