Phát triển du lịch cộng đồng ở Khánh Sơn – Khánh Hòa
Ông Phan Bửu Toàn - Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn cho biết: đại diện Dự án EU tại Việt Nam, qua chuyến khảo sát, các thành viên trong đoàn đều đánh giá cao tiềm năng đối với việc hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại Khánh Sơn.
“Chúng tôi nhận thấy, ở Khánh Sơn có khung cảnh thiên nhiên núi rừng đặc trưng với những di tích, danh thắng, bản sắc văn hóa đậm nét của đồng bào dân tộc Raglai. Cộng đồng dân cư ở đây vẫn còn giữ được nhiều nét truyền thống trong sinh hoạt thường ngày. Mô hình làng bản quần cư tập trung cũng là một yếu tố thuận lợi khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở đây”.
Quả thật, đến với Khánh Sơn hôm nay, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những ruộng lúa nước, nương bắp, rừng chuối..., những thửa nếp rẫy với hạt đen như than mà đồng bào nơi đây gọi là “nếp quạ”... Trong mỗi khu dân cư, bên cạnh các ngôi nhà định canh định cư được xây dựng kiên cố là những ngôi nhà sàn được làm bằng tre nứa. Đó chính là một thói quen về lưu trú mà đồng bào Raglai vẫn giữ. Bước chân vào các ngôi làng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những em bé Raglai với nước da ngăm đen, ánh mắt xoe tròn hồn nhiên nép mình trên lưng mẹ, hay những thiếu nữ Raglai với chiếc gùi trên lưng mải miết trỉa bắp, cắt lúa. “Tôi thật sự ấn tượng với đời sống sinh hoạt cũng như nét hồn hậu, chất phác của người dân nơi đây. Ở họ có nhiều điều lý thú để mỗi người khách phương xa khi tiếp cận muốn được tìm hiểu, khám phá nhiều hơn”, ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ chia sẻ.
Khám phá Khánh Sơn, địa điểm đầu tiên không thể bỏ qua chính là danh thắng cấp tỉnh thác Tà Gụ ở xã Sơn Hiệp. Dòng thác này còn có tên gọi là thác Ngà Voi Đá bởi nó có hình dáng giống như chiếc ngà voi khổng lồ, nhọn hoắt, trắng muốt. Thác cao khoảng 40m, gắn liền với truyền thuyết dân gian đặc sắc của đồng bào Raglai. Xung quanh khu vực thác Tà Gụ là cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng các loài động thực vật, trong đó đặc biệt có rất nhiều cây Tô Hạp - một loại cây rừng mà tên cây đã gắn liền với tên đất: thung lũng Tô Hạp, thị trấn Tô Hạp. Nơi đây còn có những trang trại cây ăn trái với đặc sản sầu riêng đã được công nhận thương hiệu độc quyền hay măng cụt, chôm chôm, vú sữa... Đặc biệt, Khánh Sơn còn nổi tiếng với đàn đá, lễ bỏ mả - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo, căn cứ địa cách mạng Tô Hạp... Khi màn đêm buông xuống, trong những ngôi nhà dài, bên ánh lửa bập bùng, du khách cùng nhau vít cần Tapai và nghe người già kể sử thi. Hay cùng nắm tay nam thanh nữ tú trong làng đung đưa theo nhịp điệu tiếng mã la vang vọng. Những sản phẩm thủ công truyền thống như gùi, nỏ, đàn Chapi do những người già trong làng làm ra là những món quà lưu niệm độc đáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng ở Khánh Sơn rất lớn. Trước mắt, chúng tôi sẽ có kế hoạch làm việc với các xã để chọn các nhà vườn cây ăn trái phục vụ du lịch; đầu tư làm đường vào thác Tà Gụ cũng như một số hạng mục khác; có phương án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai...”.
Với những tiềm năng của mình, mong sao một ngày không xa, mô hình du lịch cộng đồng ở Khánh Sơn sẽ được triển khai, mang đến những lợi ích thiết thực cho người dân nơi đây./.