Non nước Việt Nam

Khám phá vẻ đẹp đảo Quan Lạn

Cập nhật: 09/11/2015 08:17:22
Số lần đọc: 2017
(TITC) - Nằm trong vịnh Bái Tử Long, đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đang là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn vào mỗi dịp hè. Từ bến cảng Cái Rồng, đi tàu cao tốc khoảng hơn một giờ trên vịnh, du khách có thể bắt đầu hành trình khám phá hòn đảo xinh đẹp này.

                                                       Bãi tắm Quan Lạn

Quan Lạn được biết đến với những bãi tắm đẹp, hấp dẫn như bãi Quan Lạn, Sơn Hào và Minh Châu. Do nằm khá xa đất liền nên các bãi tắm ở đây còn hoang sơ, nước biển trong vắt, bờ cát trắng mịn trải dài bên những rặng phi lao xanh ngắt tạo không gian khoáng đạt với bầu không khí mát mẻ, trong lành. Nếu như bãi Sơn Hào gây ấn tượng bởi những con sóng to thì bãi Minh Châu lại êm đềm, phẳng lặng, nước trong vắt. Bãi Quan Lạn được nhiều du khách ưa thích bởi cảnh quan thơ mộng dọc con đường đi đến bãi tắm.

Đến Quan Lạn, ngoài việc thỏa sức ngụp lặn dưới làn nước biển trong mát, du khách còn có thể tản bộ tận hưởng không gian đầy nắng, gió, mang hương vị mặn mòi của biển khơi; khám phá cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ xung quanh đảo với những rừng thông, rừng trâm bạt ngàn; tham quan các làng chài và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân. Đặc biệt, du khách hãy thử một lần cùng dân đảo đi bắt sá sùng trên những bãi bồi và lặn biển mò cầu gai. Đó chắc chắn sẽ là những trải nghiệm không thể nào quên.

                                                              Đình Quan Lạn

Không chỉ cuốn hút bởi những bãi biển trong xanh, tuyệt đẹp, Quan Lạn còn có quần thể di tích mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất từng là thương cảng “bậc nhất trời Nam”, nổi bật là đình Quan Lạn - một trong hai ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 17), thờ Vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), thành hoàng làng và các vị tiền bối có công quai đê lập ấp. Kiến trúc đình kiểu chữ công, gồm tiền đường và hậu cung. Mái đình lợp ngói vẩy, các đầu đao uốn cong, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Đình có 32 cột cái, 26 cột quân được làm bằng gỗ lim và gỗ mần lái - loài cây chỉ có trên đảo đá Ba Mùn. Trải qua nhiều thế kỷ, những cột gỗ vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề bị mối mọt, trong đó có những cây cột cái cao trên 5m, đường kính 70cm. Các bức cốn, đầu bẩy, đầu dư, câu đầu, cửa võng… của đình được chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng, phượng, hoa, lá.

Nằm ngay cạnh đình Quan Lạn là chùa Quan Lạn (Linh Quang tự) thờ Phật và mẫu Liễu Hạnh. Qua cổng tam quan chùa là bái đường và hậu cung. Hiện chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật mang đậm phong cách điêu khắc thời Nguyễn; các bức hoành phi, câu đối và sắc phong.

Đền Quan Lạn nằm kế bên chùa Quan Lạn, là nơi thờ 3 anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng), những người đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh trong trận Vân Đồn - Cửa Lục chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Quần thể đình - chùa - đền Quan Lạn đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990. 

Từ đền Quan Lạn, rẽ trái khoảng 1,5km, du khách sẽ đến đền thờ Trần Khánh Dư, vị tướng đã chỉ huy trận chiến tại sông Mang - Vân Đồn năm 1287, góp phần quan trọng vào đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Trong đền hiện còn lưu giữ pho tượng của Trần Khánh Dư tương truyền có từ thời nhà Nguyễn và một số hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông.

Đảo Quan Lạn hiện có khoảng 40 cơ sở lưu trú với trên 500 phòng nghỉ, trong đó có 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 2 sao. Du khách cũng có thể nghỉ dưỡng ở một số resort với không gian xanh mát, hướng ra bãi biển lộng gió.

Đến với Quan Lạn, du khách sẽ có dịp hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng không gian yên bình, thanh tĩnh để thoát khỏi những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật.

 Phạm Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT